Sở VH-TT TPHCM vừa có tờ trình UBND TPHCM về ban hành mức thu phí tham quan các bảo tàng do sở quản lý. Theo đó, việc ban hành này là cấp thiết để tạo sự bình đẳng trong hưởng thụ văn hóa, phù hợp xu thế phát triển xã hội cũng như tạo hành lang pháp lý cho việc khai thác nguồn thu hợp pháp cho các đơn vị bảo tàng.
Học sinh Trường THPT Nhân Văn (quận Tân Phú, TPHCM) trong giờ học tập tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Thống nhất cơ chế một giá
Theo Sở VH-TT TPHCM, mức thu phí vé tham quan các bảo tàng tại TPHCM đang thực hiện là từ 1.000 - 3.000 đồng/lượt (đối với trẻ em), từ 2.000 - 5.000 đồng/lượt (đối với người lớn) và từ 10.000 - 15.000 đồng/lượt (đối với khách nước ngoài). Đó là mức thu phí áp dụng với Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và Bảo tàng TPHCM. Riêng 2 đơn vị là Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ không thu phí tham quan vé vào cổng. Hiện nay, việc thu phí vào cổng các bảo tàng tại TPHCM chưa theo cơ chế thu phí mà thực hiện theo Nghị định 89/2002, Nghị định 51/2010 của Chính phủ và Thông tư 120, Thông tư 64 của Bộ Tài chính về việc in phát hành, sử dụng quản lý hóa đơn, nên mức thu phí ở các bảo tàng chưa thống nhất, còn tùy thuộc theo đặc thù của từng đơn vị.
Thực tế cho thấy, mức thu phí tham quan của bảo tàng tại TPHCM là chưa phù hợp với các đối tượng, chưa hợp lý với sự đầu tư của nhà nước cho hoạt động của bảo tàng. So với mặt bằng giá hiện tại, giá vé của các bảo tàng tại TPHCM chỉ bằng một nửa so với mức thu phí vé tham quan các bảo tàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk. Việc thu phí tham quan như trên đã không còn phù hợp với các quy định của pháp luật về phí, lệ phí vì thế ban hành quy định mới về việc thu, quản lý, sử dụng phí tham quan bảo tàng đúng với quy định tại Thông tư số 02/TT-BTC ngày 2-1-2014 của Bộ Tài chính là rất cần thiết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn thu phí tham quan các bảo tàng sau khi thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước (trích nộp các khoản thuế), số thu còn lại các đơn vị bảo tàng sử dụng cho các khoản chi phí trực tiếp phục vụ công tác thu phí tham quan, hỗ trợ thu nhập người lao động, bổ sung kinh phí ngân sách chi hoạt động đơn vị như: chi phí sưu tầm bổ sung hiện vật, chỉnh lý trưng bày, bù đắp một phần chi phí về bảo quản, tu bổ, phục hồi, quản lý hiện vật cũng như cơ sở vật chất, từng bước giảm dần sự bao cấp từ ngân sách nhà nước...
Linh hoạt miễn giảm cho khách trong nước
Theo Sở VH-TT TPHCM, mức thu phí tham quan bảo tàng trực thuộc sở quản lý được đề nghị áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài. Cụ thể, mức phí tham quan các Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TPHCM là 30.000 đồng/lượt đối với người lớn. Với Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, để khuyến khích người dân trong và ngoài nước đến tham quan, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, Sở VH-TT đề xuất mức thu với người lớn là 15.000 đồng/lượt. Riêng Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tiếp tục không thu phí tham quan để khuyến khích người dân đến tham quan tìm hiểu và học tập tại bảo tàng. Với trẻ em, mức thu phí không quá 20.000 đồng/lượt tùy từng đơn vị.
Đó là chưa kể đến một lượng rất lớn các đối tượng được miễn giảm phí tham quan như: giảm 10% với đoàn khách từ 10 người trở lên; giảm 50% đối với học sinh, sinh viên, công nhân lao động tham quan theo đoàn; người khuyết tật; người cao tuổi; miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, các vị cách mạng lão thành, lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh và người nghèo vùng sâu vùng xa. Ngoài các đoàn khách ngoại giao, hợp tác quốc tế, người dân đến tham quan bảo tàng các ngày kỷ niệm như: giỗ tổ Hùng Vương, ngày Quốc tế bảo tàng 18-5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, Quốc khánh 2-9, ngày Di sản văn hóa VN 23-11… đều được miễn phí.
Theo giám đốc các bảo tàng tại TPHCM, việc ban hành quy định mức thu phí như trên chủ yếu là với du khách quốc tế, các bảo tàng luôn có chính sách linh hoạt miễn giảm phí với nhiều đối tượng khách trong nước. Tất cả đều hướng đến mục tiêu hàng đầu là xây dựng môi trường thân thiện, hướng đến cộng đồng, thu hút ngày càng nhiều người Việt đến học tập, tham quan tìm hiểu tại bảo tàng, di tích từ đó nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa.
MINH AN