Điều kiện đã chín muồi để triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tại cuộc hội thảo “Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam”, do Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Nội vụ và TPHCM tổ chức sáng 13-9, tại Hà Nội.
Điều kiện đã chín muồi để triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tại cuộc hội thảo “Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam”, do Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Nội vụ và TPHCM tổ chức sáng 13-9, tại Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Văn Đua phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Đua phát biểu tại hội thảo.

        Đổi mới vì nguyện vọng của nhân dân

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu thống nhất nhận định, việc nghiên cứu, tổ chức chính quyền đô thị phù hợp để phục vụ nhu cầu phát triển và đáp ứng quyền lợi của người dân hiện nay là hết sức cần thiết. Mục tiêu vì dân trong Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM được đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh: Mô hình chính quyền đô thị phải đáp ứng được thể chế do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân và tăng được tính tự chủ của mỗi cấp chính quyền. Mô hình chính quyền đô thị tốt sẽ giúp chính quyền sát dân, thấu hiểu những nỗi lo toan, trăn trở của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt sẽ giúp cho những người nghèo có thể tiếp cận tốt hơn các dịch vụ giáo dục, y tế.

Công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong cải cách hành chính tại TPHCM.

Công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong cải cách hành chính tại TPHCM.

Các ý kiến cũng chỉ rõ, việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị là vấn đề mới, lần đầu đặt ra ở nước ta trong giai đoạn xây dựng và phát triển. Trong thực tiễn, do yêu cầu quản lý nhà nước ở đô thị loại đặc biệt nên nhu cầu cần một cơ chế quản lý khác biệt là yêu cầu khách quan, dù có thể không phù hợp với một số điều, khoản của Hiến pháp, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Ngân sách và một số văn bản pháp luật hiện hành. Tham dự hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã dự liệu vấn đề này và đang cân nhắc những phương án thích hợp.

        Mạnh dạn thí điểm “thành phố trong thành phố”

Trước mắt, “trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp năm 1992, kiến nghị Quốc hội cho phép TPHCM thực hiện đề án này bằng một nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 (tháng 10 và 11 năm nay) để có thể triển khai mô hình thí điểm, có thêm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành đồng tình chia sẻ và hỗ trợ tốt nhất để thành phố có thể triển khai thực hiện tốt đề án”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân phát biểu.

Bàn về vấn đề này, PGS-TS Vũ Thư góp ý: Tổ chức chính quyền đô thị có điểm chung nhưng không thể có mô hình tổ chức chính quyền đô thị chung cho các nước, các địa phương. Với TPHCM, TS Vũ Thư nhận xét: Đề án chính quyền đô thị TPHCM với mô hình tạm gọi là “thành phố trong thành phố” tuy vẫn còn phải được bàn tính và còn có những ý kiến khác nhau, nhưng về hướng cải cách có thể nói là đúng hướng. Mô hình này nhằm khắc phục tình trạng quản lý cắt khúc, thể hiện được tinh thần rằng, đối với một đô thị, vấn đề chủ yếu là quản lý hành chính hiệu quả chứ không phải là có nhiều cấp chính quyền để mỗi cấp người dân có cơ quan HĐND đại diện cho mình một cách hình thức. “Chỉ riêng điều đó là đã có lợi cho người dân, bởi lợi ích của họ được thực hiện không bị sự chia cắt bởi quản lý, cung ứng dịch vụ công theo các đơn vị hành chính - lãnh thổ trong cùng một đô thị… Nhưng đã là thí điểm thì không thể đòi hỏi phải hoàn toàn tuân theo Hiến pháp, pháp luật; vì nếu như thế thì không còn là thí điểm nữa”, ông Vũ Thư bình luận.

Hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất tại UBND quận 1 TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất tại UBND quận 1 TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Giải thích thêm về mối quan ngại việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị mới có thể tạo ra “xung đột” với cơ chế vận hành hiện tại, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, TS Trần Du Lịch, cho biết đây là vấn đề đã được dự liệu, cũng rất khó khăn, phải thay đổi cả tư duy và cách làm và đặc biệt là liên quan đến chất lượng cán bộ. Do đó, phải có lộ trình từng bước. Ví dụ, chúng ta không thể cho một loạt người nghỉ việc mà phải đào tạo, sắp xếp lại, tính toán và có bước đi quá độ. Về pháp lý, với cơ chế như trong đề án thì sẽ phải điều chỉnh khoảng 100 văn bản luật và dưới luật hiện hành. Để chuẩn bị cho những việc như vậy, chúng tôi dự liệu mất 2 năm sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết. Vẫn theo ĐB Trần Du Lịch, ngay ở Nhật Bản, việc thực hiện chính quyền 3 cấp giảm xuống còn 2 cấp cũng phải mất đến 5 năm để thực hiện; tuy nhiên “nếu quyết tâm, tạo nguồn lực đầy đủ và kiên trì thì trước sau cũng hoàn thành được”, ĐB Trần Du Lịch quả quyết.

        Đảm bảo sự tham gia và kiểm soát của nhân dân

Ủng hộ mô hình mới, song PGS-TS Bùi Xuân Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) lưu ý về yêu cầu đảm bảo sự tham gia và kiểm soát của nhân dân đối với bộ máy chính quyền. “Việc giảm vai trò kiểm soát đối với một thiết chế công quyền trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày của nhân dân chứa đựng nhiều nguy cơ. Lấy gì bảo đảm là với những khoảng “tự do” không bị sự ràng buộc lớn như vậy lại không xảy ra tham nhũng, quan liêu, xa rời nhân dân, không đáp ứng tốt, kịp thời các yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân?” - PGS-TS Bùi Xuân Đức lo lắng. Và kiến nghị được ông đưa ra là trong việc thành lập UBND cần thể hiện rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp về hiệp thương, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm UBND; quyền giám sát và phản biện. Theo ông, Ủy ban MTTQ Việt Nam cần được trao quyền đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh của UBND…

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Vũ Thị Phụng (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) nhận định, để mô hình thành công, yếu tố quan trọng là nâng cao nhận thức cả từ 2 phía: người dân (để bầu chọn chính xác một chính quyền làm việc hiệu quả) và cán bộ (để giải quyết tốt một khối lượng công việc lớn và phức tạp). PGS-TS Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) đồng tình: “Cần tăng cường các hoạt động giám sát của nhân dân, đặc biệt là với người đứng đầu cơ quan hành chính theo hướng thiết thực, hiệu quả và phải có cơ chế cụ thể sau giám sát để xử lý trách nhiệm khi có vi phạm. Muốn vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đại biểu HĐND và đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền đô thị phải được chú trọng đúng mức”.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM: Chính quyền đô thị sẽ giải quyết căn cơ trùng lắp về chức năng

Với đề án, vấn đề trùng lắp về chức năng trong hệ thống chính quyền hiện nay sẽ được giải quyết rất căn cơ. Mỗi công chức sẽ phải chuyên nghiệp; không một công chức nào không biết rõ mình làm gì và người dân cũng sẽ biết rõ việc đó ở cơ sở do ai phụ trách, ai chịu trách nhiệm. Bộ máy tinh gọn hơn giúp chúng ta có điều kiện nâng cao phúc lợi, tiền lương, cải thiện đời sống của công chức. Với mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì chính quyền các đô thị sẽ chủ động hơn trong vấn đề đáp ứng phúc lợi cho người dân, dĩ nhiên không được vi phạm lợi ích quốc gia (...). Ví dụ, sẽ không có chuyện trẻ em không được học ở một nhà trẻ ngay bên kia đường, chỉ vì nhà trẻ ấy thuộc địa bàn phường khác… Tóm lại, với mô hình này thì hiệu quả của bộ máy hành chính cao hơn, tính phục vụ cao hơn do đó người dân hưởng lợi nhiều hơn.

ANH THƯ

- Thông tin liên quan:

>> Thảo luận Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đề án Chính quyền đô thị

Tin cùng chuyên mục