Điều tân Tổng thống Mỹ sẽ làm

Thế giới từ lâu đã theo dõi sát sao các sự kiện ở Mỹ. Giờ đây, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và ê kíp của ông phải đối mặt với nhiều thách thức chính sách về đối ngoại mà chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa giải quyết được. Nhưng trước hết, cũng nên nhắc lại trong 4 năm, từ 2017-2020, ông Trump cũng có một số thành quả nhất định.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: AFP/TTXVN
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: AFP/TTXVN

Nổi bật nhất là thành quả trong kinh tế Mỹ. Đến năm 2019, chỉ số lạm phát, thất nghiệp thấp nhất trong 30 năm qua. Mỹ lấy lại vị trí đầu tàu trong 3 năm 2017, 2018, 2019. Phần lớn người nghèo được tăng lương hàng năm. Đó là thành công không thể phủ nhận. Tuy còn rất nhiều vấn đề trong đối nội nhưng thất bại lớn nhất khiến ông Trump “mắc kẹt” vẫn là sai lầm và thiếu đúng đắn trong xử lý dịch Covid-19. Đại dịch đã xóa sạch mọi thành quả về kinh tế trong 3 năm qua, ngăn chặn khả năng tái đắc cử của ông Trump.

Về đối ngoại, ông Trump đã thất bại hàng loạt: rút ra khỏi các hiệp định, điển hình là Hiệp định khí hậu Paris 2015; rút khỏi các thỏa thuận đa phương, như thỏa thuận với Iran; rút ra khỏi tất cả các định chế quốc tế khác và làm suy yếu vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…, tạo ra khoảng trống cho Trung Quốc lấp vào. Sai lầm lớn nữa là đã làm suy giảm liên kết của phương Tây. Liên minh xuyên Đại Tây Dương bị rạn nứt hết sức nghiêm trọng dưới thời ông Trump. Từ khi kết thúc thế chiến thứ II đến giờ, chưa bao giờ liên minh này lại rệu rã như vậy. Ở châu Á, ông Trump cũng khiến mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc trục trặc… 

Sai lầm của ông Trump đã được ông Joe Biden nhận thức đầy đủ. Khác hoàn toàn với người tiền nhiệm, ông Biden là nhà chính trị lọc lõi đã có 38 năm hoạt động chính trị. Xu hướng của ông là không đao to búa lớn, tạo được các mối quan hệ chặt chẽ gắn kết. Việc sửa chữa những sai lầm của ông Trump trong đối ngoại mang tính tất yếu, xuất phát từ sự đòi hỏi của cử tri và đáng kể là của cả đảng Cộng hòa chứ không phải chỉ có đảng Dân chủ. 

Vậy tân Tổng thống Mỹ sẽ sửa như thế nào?  

Đầu tiên, ông Biden sẽ khôi phục từng bước một những định chế toàn cầu mà người tiền nhiệm đã từ bỏ. Ông Biden cũng sẽ khiến Mỹ xuất hiện nhiều hơn, tham gia tích cực hơn vào các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và đặc biệt là WTO, quay lại với WHO để từng bước khôi phục vai trò và vị thế của Mỹ. Tiếp theo, chính quyền mới sẽ khôi phục lại các quan hệ giữa Mỹ với đồng minh và bạn bè trên khắp thế giới. Ông Biden sẽ xoa dịu châu Âu, mang lại cảm giác yên tâm cho đồng minh truyền thống. Mỹ sẽ có mặt hỗ trợ các nước trong NATO, sát cánh với các bên đối phó với thách thức toàn cầu mà châu Âu đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, các thách thức từ Nga, Trung Quốc… Ở phía Đông, ông Biden sẽ phải củng cố mối quan hệ nền tảng giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc.

Với các vấn đề khu vực, nhất là Trung Đông, ông Biden sẽ không xóa sạch những quyết định của ông Trump, mặc nhiên thừa nhận những việc ông Trump đã làm, cho dù đó là sai, vi phạm luật pháp quốc tế như việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cao nguyên Golan là của Israel… Mối quan hệ giữa Israel với thế giới Arab trong các năm 2019-2020 đã được củng cố hết sức cơ bản nên ông Biden cũng sẽ không làm gì để thay đổi. Riêng vấn đề trung tâm của Trung Đông là hạt nhân Iran thì ông Biden sẽ theo cách chủ yếu của ông Obama, tức hòa giải, không kích động để tạo diện mạo mới. Chính quyền ông Biden sẽ tìm cách khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran, tất nhiên với phiên bản mới chứ không chỉ đơn giản như vậy. Có thể sẽ có những điều khoản mới liên quan tới tiêu chí về tên lửa tầm trung và tên lửa đạn đạo của Iran. Triều Tiên là vấn đề khó. Ông Biden sẽ vẫn duy trì đối thoại nhưng cấp cao nhất chỉ là cấp ngoại trưởng, thứ trưởng, chuyên viên để giữ Triều Tiên trong khuôn khổ có thể kiểm soát được, không đẩy Triều Tiên đến những hành động quá đáng về quân sự.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm tới đây sẽ ổn định, hòa bình, không có nhiều xung đột bất ngờ và đột biến ít xảy ra. Với ASEAN, ông Biden coi khu vực này là mắt xích đặc biệt quan trọng trong các chiến lược. Ông Trump đã từng bỏ lỡ nhiều cuộc gặp quan trọng với ASEAN. Nên lần này, ông Biden sẽ có mặt tại tất cả các hội nghị giữa ASEAN với Mỹ, ASEAN+3, ASEAN+4 với các diễn đàn kinh tế thế giới, APEC… chủ yếu vì lợi ích của chính nước Mỹ.

Cuối cùng, khó nhất trong chính sách đối ngoại của ông Biden trong 4 năm tới có lẽ là quan hệ với Trung Quốc. Trong 4 năm cầm quyền của ông Trump, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thống nhất về vấn đề Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. 

Xét về khía cạnh nào đó, ông Trump đã phần nào giúp thế giới “thức tỉnh”. Vì thế, tân Tổng thống Biden không thể đi ngược lại hoàn toàn với ông Trump trong chính sách với Trung Quốc. Ông Biden sẽ vẫn xem nước này là đối thủ cạnh tranh chiến lược, không gỡ bỏ thuế quan nhưng cũng sẽ không khuấy động cuộc chiến thương mại ồn ào, thay vào đó là các cuộc đối thoại cởi mở nhưng vẫn đủ các yêu cầu thỏa mãn đôi bên. Quan trọng nhất, điều khiến Trung Quốc lo ngại chính là chỗ nếu như ông Trump đã phá nát quan hệ với phương Tây thì ông Biden lại hàn gắn vết thương, tạo thêm khối vững chắc trong cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Có thể nói, bức tranh tổng thể trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ không có nhiều thay đổi, nhưng triển vọng sẽ là không xấu đi trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục