Điều trị vô sinh nam: Thêm nhiều cơ hội

Điều trị vô sinh nam: Thêm nhiều cơ hội

Lần đầu tiên, một hội thảo chuyên sâu về vô sinh nam (VSN) được tổ chức với sự phối hợp tổ chức của hai đơn vị Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh (Hosrem) và Bệnh viện Bình Dân. Đây cũng là lần đầu tiên, các vấn đề trong chẩn đoán và điều trị VSN được các chuyên gia điều trị hiếm muộn và nam khoa hệ thống hóa đầy đủ. Tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân đã giải đáp nhiều câu hỏi thiết thực quanh vấn đề khám và điều trị VSN hiện nay.

TS.BS Nguyễn Thành Như

TS.BS Nguyễn Thành Như

* Ở các cặp vợ chồng hiếm muộn, nguyên nhân dẫn đến vô sinh (VS) từ người chồng chiếm bao nhiêu phần trăm? Tại Bệnh viện Bình Dân, trong vài năm qua, tỷ lệ này có tăng không? 

- TS.BS Nguyễn Thành Như: Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 100 cặp vợ chồng bị VS thì nguyên nhân do vợ là 40%, do chồng là 30%, do cả hai người đều có bệnh là 20% và 10%  không rõ nguyên nhân.

Tại Bệnh viện Bình Dân, số bệnh nhân VSN đến khám ngày càng nhiều, nhưng không phải do tỷ lệ VSN tăng mà vì ngày càng nhiều người chồng hiểu ra rằng họ cũng có thể bị VS, chứ không riêng gì các bà vợ! Trong khi trước đây, mỗi ngày chỉ khoảng 60-70 bệnh nhân đến khám thì hiện nay, phòng khám nam của bệnh viện tiếp nhận khoảng 140 bệnh nhân, trong đó hơn 1/2  là bệnh nhân có bệnh lý VSN. Nhiều bệnh nhân VSN sau một thời gian khám và điều trị tại bệnh viện đã khỏi bệnh. Nhiều ông chồng được chữa khỏi, nên các… ông bạn của họ cũng tin tưởng đến khám.

* Các nguyên nhân nào dẫn đến VSN?

- Có nhiều tác nhân làm tinh trùng ít và suy yếu. VSN có thể chia làm ba nhóm, dựa theo nơi sinh ra tinh trùng là tinh hoàn:

1. Trước tinh hoàn: nguyên nhân này không cao, chỉ chiếm khoảng 1%, do tuyến yên trên não không tiết ra nội tiết tố sinh dục FSH và LH để kích thích tinh hoàn hoạt động.

2. Tinh hoàn có bệnh: tinh hoàn bị teo vì viêm tinh hoàn do vi trùng hay do vi rút bệnh quai bị gây nên (khoảng 30% bệnh nhân mắc bệnh quai bị bị biến chứng vô sinh)… Nếu VS do nguyên nhân này thì không điều trị được. Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong bẹn hay trong bụng, thì tinh trùng không được sản sinh.

3. Sau tinh hoàn: do bệnh lý nào đó làm tinh trùng ít và yếu như giãn tĩnh mạch tinh, tràn dịch tinh mạc, hoặc tắc ống dẫn tinh, tắc mào tinh.

Như vậy, không phải nguyên nhân nào cũng chữa được, nếu tinh hoàn đã bị hư hẳn rồi thì… vô phương.

* Vậy việc điều trị thế nào? Trường hợp nào chỉ điều trị nội khoa (dùng thuốc), trường hợp nào phải chỉ định phẫu thuật? Tỷ lệ thành công của các phương pháp này?

- Điều trị nội khoa dành cho các trường hợp tinh trùng yếu mà không rõ lý do. Biện pháp nội khoa thường dùng là các thuốc chống ôxy hóa như vitamin E. Clomiphene citrate liều thấp cũng là thuốc hay được sử dụng trong điều trị VSN. Thuốc cần được dùng trong khoảng 3-6 tháng, nếu người vợ vẫn “im re” thì xem như thuốc không hiệu quả, không cần dùng tiếp. Nhưng nhìn chung, chưa có thuốc nào, dù là Đông hay Tây y, có thể chứng minh được là thuốc có hiệu quả thật sự trong việc điều trị VSN.

Riêng một số rất hiếm bệnh nhân bị VS do não không tiết ra các nội tiết tố sinh dục để kích thích sinh tinh (FSH và LH), thì chích các chất này mang lại hiệu quả cao (khoảng 90%). Nhưng cũng rất tốn kém (khoảng 300.000-600.000đ/mũi) và phải chích liên tục ba mũi/tuần, trong vòng 6-18 tháng thì có thể có thai tự nhiên.

Phẫu thuật được áp dụng ở bệnh nhân VSN có các bệnh lý sau: giãn tĩnh mạch tinh, tinh hoàn ẩn, tràn dịch tinh mạc, tắc ống dẫn tinh. Đối với phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh, tỷ lệ tinh trùng cải thiện là 60%-70% và tỷ lệ có thai là 45%-50%; tắc ống dẫn tinh, thành công đến 90% (nếu điều trị sớm); tắc mào tinh, thành công thấp hơn, khoảng 80%. Riêng trường hợp tinh hoàn ẩn, thành công rất thấp (10%-15%), nếu điều trị quá trễ thì không còn hy vọng. Thời gian cải thiện tinh trùng tùy từng trường hợp. Ví dụ, giãn tĩnh mạch tinh từ 6 tháng đến một năm; tắc ống tinh cần 3-6 tháng. Cũng có trường hợp sau một năm…

* Nhiều bệnh nhân hiếm muộn tìm đến các bài thuốc Đông y để cải thiện tình trạng. Liệu những bài thuốc này có hiệu quả trong việc điều trị VSN?

- Riêng về lĩnh vực VSN, tôi không nghĩ là các thầy thuốc Đông y có thể chữa hiệu quả. Ngày xưa các thầy thuốc Đông y không biết đến tinh trùng (là một tế bào rất nhỏ, chỉ nhìn thấy dưới kính hiển vi. Đến năm 1668,  một nhà phát minh người Hà Lan là Antoni van Leeuwenhoek mới phát minh kính hiển vi để tìm ra tế bào hồng cầu và tinh trùng) nên họ không biết đến VSN là do không có tinh trùng, hay tinh trùng yếu. Các bài thuốc Đông y vì thế chỉ dựa trên quan sát lý tính tinh dịch như màu sắc, độ nhớt… chứ không dựa trên tinh trùng. Ngày nay ta biết rằng, tinh dịch có thể loãng nhưng tinh trùng đầy, tinh dịch có thể đặc nhưng chẳng có con tinh trùng nào (vô sinh do tắc).

* Những kỹ thuật mới nào được áp dụng để điều trị VSN ở Bệnh viện Bình Dân? Có khoảng cách gì so với các nước khác không?

- Từ 10 năm nay, Bệnh viện Bình Dân đã ứng dụng vi phẫu thuật để điều trị giãn tĩnh mạch tinh, nối ống dẫn tinh… Hiện tại, Bệnh viện Bình Dân là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện được vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh-mào tinh (một  kỹ thuật rất phức tạp). Kỹ thuật này đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị bạn. 

Ngoài ra, còn có một số kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi điều trị tinh hoàn ẩn; phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn để trữ lạnh, dùng cho thụ tinh trong ống nghiệm sau này… Mới đây là vi phẫu thuật tìm tinh trùng non trong tinh hoàn cho những trường hợp sinh tinh rất kém hay không sinh tinh. Qua các hội thảo quốc tế, cho thấy Bệnh viện Bình Dân đã tiến kịp cùng các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực điều trị VSN.

* Quy trình khám và phát hiện VSN được thực hiện thế nào?

- Cần xét nghiệm kiểm tra tinh dịch đồ. Tinh dịch đồ cần phải làm ít nhất hai lần, cách nhau khoảng 1-3 tháng. Nếu tinh trùng đạt 20 triệu/ml tinh dịch, một nửa trong số đó di động và kích thước bình thường, bệnh nhân không cần chữa vẫn có con theo cách tự nhiên.

Trong trường hợp không có tinh trùng, hoặc số lượng quá ít, (hoặc chất lượng quá kém như độ di động thấp…) bác sĩ sẽ khám tìm nguyên nhân như đo thể tích tinh hoàn, khám tìm ống dẫn tinh, tìm xem có khuyết tật ở bộ phận sinh dục không. Về các xét nghiệm chẩn đoán VS, bệnh nhân sẽ được đề nghị xét nghiệm máu định lượng nội tiết tố sinh dục FSH, LH, siêu âm màu hai tinh hoàn, siêu âm túi tinh qua ngã trực tràng. Sau cùng, phẫu thuật thám sát hai tinh hoàn, kèm theo chụp ống dẫn tinh sẽ giúp bác sĩ có hướng điều trị để cải thiện tinh trùng. 

* Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn bỏ hết tiền của theo đuổi việc điều trị VS. Nhiều hoàn cảnh rất đau lòng. Bác sĩ nghĩ sao? 

- Các biện pháp điều trị VSN tại Bệnh viện Bình Dân được áp dụng cho mọi người, kể cả người nghèo. Quy trình khám nghiệm cơ bản tốn khoảng 500.000đ, nếu có phẫu thuật, chi phí khoảng 2-5 triệu đồng. Nếu dùng thuốc, cũng chỉ khoảng một triệu đồng mỗi ba tháng. Điều quan trọng nhất, khi bệnh nhân đến khám, chúng tôi sẽ cho bệnh nhân biết rõ trường hợp nào không thể chữa, trường hợp nào chữa được với tỷ lệ thành công bao nhiêu phần trăm, chi phí khoảng bao nhiêu, mất khoảng bao lâu.

Đối với trường hợp bắt buộc phải thụ tinh trong ống nghiệm mới có con thì chỉ những người khá giả mới kham nổi. Không nên bán sạch đất đai, mượn nợ… để chữa vô sinh, để làm thụ tinh trong ống nghiệm vì có con không phải là điều kiện bắt buộc để vợ chồng sống hạnh phúc.

MINH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục