>> Vẫn tranh luận về xử lý hình sự trẻ vị thành niên phạm tội
(SGGPO).- Tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 chiều 3-4, về vấn đề định lượng trong phần các tội phạm của dự thảo, PGS. TS. Trần Văn Độ, nguyên ĐBQH khóa XIII, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao phát biểu: “Tôi không ủng hộ quan điểm định lượng hoá tuyệt đối như dự thảo Luật. Vì tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm thể hiện qua rất nhiều yếu tố khác nhau, về khách quan, cũng như chủ quan của tội phạm; trong đó hậu quả của tội phạm có ý nghĩa pháp lý quan trọng, nhưng không thể là yếu tố quyết định duy nhất của tội phạm. Hậu quả của hành vi trong các bối cảnh khách quan và chủ quan khác nhau cũng cần được đánh giá rất khác nhau. Ví dụ, xả thải ra môi trường cùng một khối lượng, thể tích chất thải độc hại như nhau nhưng ở các địa điểm khác nhau (vùng hoang vắng, thưa thớt dân cư so với các khu vực đô thị, dân cư tập trung…) thì tính chất, mức độ nguy hiểm phải được đánh giá khác nhau”.

Ông Trần Văn Độ
Vì thế, theo ông Trần Văn Độ, thay vì “cố gắng vô vọng để định lượng”; cần tập trung xây dựng đội ngũ người áp dụng pháp luật có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; có kinh nghiệm, hiểu biết đúng đắn tinh thần pháp luật; có phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp; được chăm lo bảo đảm cho họ độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật…
Ông Trần Văn Độ đề nghị quán triệt quan điểm: Đối với một số điều luật của BLHS 2015 đã được định lượng hoá chi tiết nhưng việc định lượng dẫn đến bỏ sót, chồng chéo hoặc không phù hợp thì đề nghị giữ lại như cách quy định của BLHS 1999, quy định có tính định tính. Việc hướng dẫn cụ thể sẽ giao cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Liên quan đến tội hiếp dâm, PGS, TS Trần Văn Độ góp ý: “Cần xem xét lại một số vấn đề liên quan đến tội phạm tình dục. Bằng cách bổ sung các hành vi tình dục khác cùng với giao cấu vào hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em… phạm vi các tội này đã được mở rộng so với trước đây. Trong khi dấu hiệu cấu thành tội phạm thay đổi theo hướng tội phạm hoá nhiều hành vi; nhưng chế tài các tội đó lại vẫn được giữ nguyên như quy định của BLHS 1999 liệu có hợp lý”?
|
ANH THƯ