Dinh Thống Nhất ở thành phố mang tên Bác

Lịch sử quy mô và giá trị
Dinh Thống Nhất ở thành phố mang tên Bác

Rất nhiều các kiến trúc sư và các nhà khoa học đều có chung cảm nghĩ: “Dinh Độc Lập như một món quà quý hiếm độc đáo do Thiên tạo và Nhân tạo dâng tặng cho nhân loại”.

Nơi ấy là dấu tích khẳng định tài năng ê kíp tác giả: cha đẻ của công trình là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên đoạt giải “Khôi nguyên La Mã”, và cố kỹ sư xây dựng nhiều kinh nghiệm Phan Văn Điển.

Ở đó người ta dễ dàng nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Đông truyền thống thâm thúy với lối kiến trúc bề thế, sang trọng của phương Tây đương đại.

Dinh Độc Lập ra đời khi nước ta chưa có độc lập. Nếu tính từ lúc “khai sinh” đầu tiên trên mảnh đất này đến nay dinh thự đã mang 3 tên gọi khác nhau.

Từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Dinh Độc Lập được Nhà nước đặc cách công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định ngày 25-6-1976, và nay mang tên Dinh Thống Nhất.

Lịch sử quy mô và giá trị

Dinh Thống Nhất ở thành phố mang tên Bác ảnh 1
Lễ kỷ niệm 30-4 tại Dinh Thống Nhất. Ảnh: AN DUNG

Ngay sau khi chiếm được Sài Gòn-Gia Định, người Pháp đã chọn khu đất ngay giữa trung tâm Sài Gòn, rộng 12ha để xây dựng một dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ.

Ngày 23-2-1868, Thủy sư Đô đốc Là Gradière - Thống đốc Nam kỳ lúc bấy giờ đã đặt viên đá đầu tiên trong buổi lễ khởi công xây dựng. Công trình hoàn thành năm 1871, còn được gọi là Dinh Norodom.

Năm 1887, Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, Dinh Norodom trở thành Phủ Toàn quyền Pháp tại Đông Dương.

Năm 1954, Dinh Norodom được trao cho nhà cầm quyền Sài Gòn lúc đó là Ngô Đình Diệm. Đối với Ngô Đình Diệm sự trao trả này được xem như nền độc lập quốc gia, vì vậy chính quyền Sài Gòn đã đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập. Do mâu thuẫn nội bộ các phe đảo chính nổi lên ném bom bắn phá, Dinh Độc Lập bị hư hỏng nặng phải xây dựng lại.

Dinh khởi công xây dựng ngày 1-7-1962, hoàn thành ngày 31-10-1966, đến tháng 10-2006 tròn 40 tuổi.

Với vị thế nằm giữa một quần thể công viên cây xanh, với diện tích 120.000m2 (300x400m), dinh thự giống như lá phổi của thành phố. Theo thuyết “phong thủy” thì đây chính là nơi thích hợp để xây dựng cơ quan đầu não của vùng đất phương Nam. Dinh có tòa nhà chính với mặt tiền 80m, phòng khánh tiết lớn có sức chứa khoảng 800 người.

Bao quanh dinh thự là rừng cây cổ thụ, đồi cỏ xanh non.

Nói về cảnh quan kiến trúc bảo tồn thì Dinh Thống Nhất có đầy đủ yếu tố động và tĩnh.

Phần tĩnh của kiến trúc được giữ gìn, bảo trọng nhưng không đóng cửa nằm im mà quanh năm suốt tháng ngày nào cũng được du khách bốn phương “chiêm ngưỡng”. Nó là một trong những điểm du lịch thu hút lượng khách tham quan đông nhất.

Phần động được khai thác triệt để để phục vụ những hoạt động của Chính phủ: những cuộc họp của Chính phủ do Thủ tướng, Phó Thủ tướng hoặc các quan chức cao cấp chủ trì, những hội thảo trong nước và quốc tế.

Ngoài ra nơi này cũng được các doanh nghiệp lớn trong ngoài nước giao lưu, giới thiệu thế mạnh và uy tín của công ty hoặc các cuộc gặp gỡ truyền thống của các cơ quan, đoàn thể trong các dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn…

Như vậy tính chất của di tích Dinh Thống Nhất không những hàm chứa cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà còn có cả giá trị sử dụng những công năng đặc biệt của một tòa nhà lớn.

Tòa nhà lớn được mang tên Dinh Độc Lập ấy, là nơi kết thúc chiến tranh. Nơi ấy chứng kiến những đoàn tăng dũng mãnh đã tấn công vào dinh lũy cuối cùng của đối phương, buộc tướng Dương Văn Minh thay mặt nội các Sài Gòn nói lời đầu hàng quân cách mạng.

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kế thừa những tinh hoa kiến trúc của người Pháp xây dựng trước đó. Dãy hành lang rộng ngăn cách với không gian bên ngoài bằng những hình đốt tre (đốt trúc) làm bằng bê tông màu sáng trắng.

“Bức rèm” bê tông thu được ánh sáng nhưng ngăn chặn được hơi nóng của nắng Sài Gòn, giúp cho nội thất dinh sáng sủa, thông thoáng, mát dịu. Hình ảnh “đốt trúc” còn biểu tượng “cái hồn” của phong cách kiến trúc phương Đông truyền thống. Đó là hình tượng “người quân tử”.

Lối vào cửa chính tòa dinh thự cũng được thiết kế theo quan niệm về phong thủy trong xây dựng ở phương Đông. Đó là cho xây dựng một cái hồ hình bán nguyệt ẩn mình dưới bậc thang lối đi. Hồ tuy nhỏ nhưng cũng nói được “Thế Minh Đường” cầu mong phúc đức.

Hồ bán nguyệt còn bao hàm ý tưởng “Trăng khuyết” (trăng khuyết trăng lại tròn), ước nguyện của nhân dân dẫu có khi chỉ được (nửa vầng trăng) thì mai vầng trăng lại tròn đầy. Ước nguyện sẽ được hoàn thiện mỹ mãn.

Hàng chục năm qua Dinh Thống Nhất vẫn được duy tu, bảo dưỡng và là một trong những điểm thu hút khách tham quan đông nhất, nơi đã và đang có thêm nụ cười, thêm những cái bắt tay thân thiện của nhiều du khách trong nước và quốc tế.

BÍCH NGỌC

Tin cùng chuyên mục