Khoảng trắng ở TPHCM
Trong danh sách 138 đại biểu của hội nghị lần thứ 10, chỉ có 10 đại biểu thuộc chuyên ngành LLPB, và thực tế, chỉ có một số ít trong đó đã có sách hoặc được biết đến như: Nguyễn Đình Minh Khuê, Võ Quốc Việt, Vũ Kiều Chinh, Hà Thy Linh…
Nhiều cây bút phê bình thuộc thế hệ 8X có dấu ấn trên văn đàn trong thời gian qua như Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Thanh Tâm, Thái Phan Vàng Anh, Phan Trọng Hoàng Linh, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thuấn… nay cũng đã trên dưới 40 tuổi. Lực lượng phê bình trẻ, tính theo độ tuổi 35 trở xuống theo tiêu chí của Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, rất ít.
Nhà phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê tỏ ra bất ngờ trước thực tế này. Tuy nhiên, theo anh, bất kỳ một sự điểm danh nào cũng khó có thể đầy đủ. Bởi, không giống với văn xuôi hay thơ, LLPB vừa có tính văn nghệ, nghệ thuật lại vừa có tính chất khoa học.
“Một số nhà LLPB trẻ nổi bật, theo quan sát của tôi, lại quá chuyên chú vào không gian học thuật hàn lâm (viện nghiên cứu, trường đại học...), không lộ diện nhiều trong không gian mà tôi tạm gọi là “văn nghệ”, tức là không tham gia nhiều cùng với các nhà văn, nhà thơ, các hội văn học nghệ thuật... nên cũng dễ hiểu khi hội nghị văn trẻ lần này không có sự xuất hiện của họ”, Minh Khuê cho biết.
Thừa nhận thực tế lực lượng viết phê bình trẻ khá mỏng, nhà phê bình văn học - TS Nguyễn Thanh Tâm lý giải: “Ở Việt Nam, các hoạt động đào tạo người viết phê bình chuyên nghiệp chưa nhiều. Phần lớn là các tác giả phê bình trẻ đi ra từ các khoa, trường đào tạo chuyên môn về văn chương - nghệ thuật nói chung. Bên cạnh đó, dù được đào tạo, hoặc có khởi đầu viết lách với phê bình, nhưng cũng không nhiều tác giả trẻ mặn mà, gắn bó với nghiệp phê bình. Họ cũng cần phải mưu sinh, trong khi phê bình không hứa hẹn điều gì khả dĩ cưu mang được họ”.
Cũng theo TS Nguyễn Thanh Tâm, độ tuổi của người viết phê bình trẻ nằm ở nhóm cao tuổi (trong số người viết trẻ), bởi họ mất nhiều thời gian để đào tạo hơn. Phê bình chuyên nghiệp cần phải được đào tạo từ đại học, có người học lên thạc sĩ, tiến sĩ… Đó là quãng thời gian kéo dài, khiến việc bước chân vào làng văn muộn hơn những tác giả sáng tác.
Nếu mở rộng biên độ lứa tuổi, có thể thấy, lực lượng phê bình 8X và 9X nổi bật hiện nay đang tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Huế. Tại TPHCM, con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu không muốn nói là khoảng trắng. Trong Hội đồng Lý luận và phê bình của Hội Nhà văn TPHCM, có TS Đào Lê Na là trẻ tuổi nhất, nhưng nay cũng đã 36 tuổi.
Chưa kể, những nghiên cứu của TS Đào Lê Na chủ yếu hướng đến sân khấu và điện ảnh. Ngoài Nguyễn Đình Minh Khuê còn có nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang thỉnh thoảng cũng viết, nhưng những bài viết này mới dừng ở điểm sách sâu, chưa thể gọi là những nghiên cứu, phê bình.
Văn học trẻ có “lâm nguy”?
TS Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, nếu hiểu phê bình như một lĩnh vực - bộ môn chuyên nghiệp thì sự thiếu vắng những nhà phê bình trẻ có thể dẫn đến một trạng thái “lâm nguy” nhất định.
Bởi theo anh, các nhà văn trẻ, bên cạnh độc giả của mình, cũng cần phải có các nhà phê bình trẻ, cùng thế hệ, có chuyên môn, bám sát đời sống văn học, để có thể đưa ra những nhận định, đánh giá một cách thấu tỏ. Tuy vậy, theo TS Nguyễn Thanh Tâm, có một thực tế là chính các tác giả trẻ dường như cũng không tin tưởng lắm vào sự đánh giá của các nhà phê bình lớn tuổi.
“Khoảng cách thế hệ, quan niệm về giá trị, thế giới quan, thẩm mỹ quan… giữa các thế hệ khác nhau, e sẽ gây khó khăn cho việc thông tri và kiến giải các hiện tượng văn chương trẻ”, TS Thanh Tâm nói.
Trong khi đó, Nguyễn Đình Minh Khuê cho rằng, lực lượng LLPB trẻ bây giờ không phải khan hiếm đến mức có thể khiến đời sống văn học hay mối quan hệ hữu cơ giữa phê bình và sáng tác “lâm nguy”. Theo anh, trong bất kỳ không gian nào, dưới bất kỳ hình thức nào, cũng đang có những độc giả sâu sắc, khó tính và chuyên nghiệp liên tục đọc, suy tư, thẩm bình và đưa ra những ý kiến phê bình của mình.
“Vấn đề ở đây là họ lựa chọn xuất hiện ở đâu, trong không gian nào và chỉ là họ có lựa chọn được biết đến hay không. Những cây bút LLPB trẻ có thực lực hôm nay, theo tôi, sẽ rất cẩn trọng trong lựa chọn sự xuất hiện của mình, nhất là khi họ bắt đầu có những thâm nhập thực sự sâu vào nền LLPB văn học trên thế giới thông qua internet”, Nguyễn Đình Minh Khuê bày tỏ.
"Nghiên cứu, LLPB là một bộ phận của đời sống văn học, có mối quan hệ khăng khít với các bộ phận khác. Một khi đã có nhà văn, nhà thơ trẻ mà thiếu đội ngũ nghiên cứu, LLPB trẻ - những người dễ gần gũi, thấu cảm với người sáng tác trẻ hơn cả - thì hiển nhiên “sinh thể” văn học trẻ của nước nhà không được hoàn chỉnh và khỏe mạnh. Để tạo sự phát triển đồng đều, đa dạng cho văn học trẻ, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến những người trẻ đã, đang và sẽ gắn với công việc có tính chất tam “khờ”: khó - khổ - khô này" PGS-TS BÙI THANH TRUYỀN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận và phê bình Hội Nhà văn TPHCM |
Trong vai trò của một cây bút phê bình trẻ, theo Võ Quốc Việt, phát triển thêm lực lượng LLPB trẻ nên bắt đầu từ môi trường học đường, nhất là những trường đại học có chuyên ngành ngữ văn.
“Để kích thích hoạt động LLPB trẻ hiện nay, chúng ta có thể kết hợp song hành với các trại sáng tác, mở ra các dự án/tập sách LLPB với định hướng cụ thể, bám sát đời sống văn học đương thời (dưới hình thức tuyển tập LLPB theo chủ đề nhất định). Có lẽ như vậy, chúng ta mới có thể tạo thêm cơ hội cộng hưởng giữa hoạt động sáng tác và LLPB”, Võ Quốc Việt đề xuất.