Đô thị hóa tác động đến môi trường

Đô thị hóa là quá trình tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Đô thị hóa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, của một quốc gia và nâng cao đời sống cho con người. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình đô thị hóa cũng đang phát sinh nhiều vấn đề nan giải.
Đô thị hóa tác động đến môi trường

Đô thị hóa là quá trình tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Đô thị hóa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, của một quốc gia và nâng cao đời sống cho con người. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình đô thị hóa cũng đang phát sinh nhiều vấn đề nan giải.

Quy hoạch chưa hợp lý

Nhiều nghiên cứu cho thấy, quá trình đô thị hóa tương đối nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đến sự cân bằng sinh thái, tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập. Nhiều xí nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm môi trường lớn trước đây nằm ở ngoại thành, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc. Mở rộng không gian đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn lương thực quốc gia và đến đời sống của nhân dân ngoại thành; sản xuất công nghiệp phát triển mạnh làm phát sinh một lượng lớn chất thải, trong đó chất thải nguy hại ngày càng gia tăng. Đồng thời đô thị hóa làm tăng dòng người di dân từ nông thôn ra thành thị, gây nên áp lực đáng kể về nhà ở và vệ sinh môi trường.

Theo PGS-TS Lưu Trường Văn, Trường ĐH Quốc tế TPHCM, Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi đô thị nhanh nhất thế giới. Việc đô thị hóa diễn ra với quy mô ngày càng nhanh chóng đã kéo theo những hệ lụy như gia tăng ô nhiễm, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện và nước thải công nghiệp không được xử lý, hệ thống thoát nước đô thị không tốt. Thêm vào đó, ô nhiễm không khí cũng ngày càng tồi tệ gây hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường. Gần 667.000 tấn oxy lưu huỳnh, 618.000 tấn oxy nitơ và 6,8 triệu tấn cacbon được tạo ra hàng năm tại Việt Nam. Sức mạnh kết hợp của công nghiệp hóa, đô thị hóa đã làm giảm độ che phủ của rừng. Sự suy giảm độ che phủ từ 43% năm 1943 chỉ còn khoảng 27% năm 1990 nhưng sau đó đã tăng gần 40% trong năm 2009. Việc mất rừng ngập mặn đã và tiếp tục là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Rừng ngập mặn đã giảm từ 400.000ha năm 1993 xuống dưới 600.000ha năm 2008. Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, Việt Nam đã mất 73.000 ha đất canh tác hàng năm do đô thị hóa, ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,5 triệu nông dân; diện tích trồng lúa giảm 6% chủ yếu là do công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Diện tích đất được giao để sản xuất lúa gạo dự kiến giảm gần 10% vào năm 2030.

Quá trình đô thị hóa đã và đang tác động mạnh đến môi trường

Đô thị hóa gắn với bảo vệ môi trường

Cũng theo PGS-TS Lưu Trường Văn, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do các vấn đề môi trường chưa được đề cập đầy đủ và quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị. Tình trạng xây dựng lộn xộn tại các đô thị lớn là một vấn đề bức xúc đòi hỏi những biện pháp quản lý cấp bách và hiệu quả, nếu không cái giá phải trả cho việc giải quyết hậu quả môi trường sẽ là vô cùng lớn. Điều đáng nói là, sự dễ dãi và yếu kém trong quy hoạch cùng tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt đã dẫn tới tình trạng sử dụng đất tùy tiện, lãng phí. Hầu hết các khu công nghiệp, dịch vụ... đều bám dọc các quốc lộ huyết mạch, vùng nông thôn trù phú. Hệ quả là, hàng chục vạn hécta đất nông nghiệp màu mỡ đã bị sử dụng phí phạm, tác động mạnh đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của hàng chục vạn hộ gia đình nông thôn và hàng triệu lao động nông nghiệp.

Theo dự báo, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 40%, số dân cư sinh sống tại đô thị khoảng hơn 45 triệu. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều với những vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hóa, đặc biệt là vấn đề môi trường. Chính vì vậy, theo PGS-TS Lưu Trường Văn, một số giải pháp bảo vệ môi trường của các đô thị nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam là xây dựng một chính sách dân số đặc thù cho từng đô thị, hạn chế quá trình di dân tự do; xây dựng quy chế bảo vệ môi trường đô thị cụ thể theo đặc thù của địa phương. Ông cho rằng, công tác quy hoạch đô thị phải đổi mới và nâng cao chất lượng theo hướng gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội có tầm nhìn dài hạn. Mặt khác, cần thực hiện tốt phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm, giảm dần và tiến tới loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong quá trình xây dựng các công trình. Chú trọng bảo tồn thiên nhiên, sử dụng bền vững tài nguyên nhằm kiềm chế xu hướng suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên. Hoàn thiện hệ thống xử lý, nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải, bảo đảm xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại. Thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp tài nguyên như hạn chế khai thác nước ngầm, tập trung phát triển các đô thị sinh thái, đô thị xanh, cải tạo đô thị và phát triển cây xanh phù hợp ở đô thị.

MINH HẢI


Đáng lo ngại

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong 6 giải pháp trọng tâm của TPHCM. Thời hạn để thực hiện mục tiêu này là cuối năm 2015. Thế nhưng trên thực tế, mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường của thành phố có nguy cơ không đạt.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện nay mỗi ngày thành phố thu gom, xử lý khoảng 7.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ đạt 60% lượng chất thải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. 40% còn lại được tái chế thành phân compost. Tuy nhiên, hiện có đến 90% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi và Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh là chôn lấp. Số ít còn lại đang được tái chế thành phân compost do Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar thực hiện. Đối với lượng bùn thải, hiện toàn thành phố phát sinh khoảng 2.700 - 3.700m³/ngày nhưng chỉ mới xử lý 500m³/ngày. Số còn lại vẫn đang đổ trôi nổi ngoài môi trường. Không dừng lại đó, về kiểm soát nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất, thành phố chỉ mới cơ bản kiểm soát được những nguồn thải có khối lượng từ 50m³/ngày đêm trở lên. Những cơ sở sản xuất có khối lượng nước thải dưới 50m³/ngày đêm vẫn chưa thể kiểm soát được. Hầu các cơ sở sản xuất nhỏ nằm xen lẫn trong khu dân cư và nối hệ thống nước thải trực tiếp vào các kênh rạch nên rất khó phát hiện và xử lý. Nguyên nhân cá chết hàng loạt nhiều đợt tại hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một phần là do lượng nước thải ô nhiễm từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ xả ra chưa được kiểm soát chặt.

Còn về chỉ tiêu thu gom chất thải, cơ bản đã đạt tỷ lệ thu gom 100% khu vực nội thành và khoảng 80% ở khu vực ngoại thành. Đối với chất thải y tế, tỷ lệ thu gom đạt 100% tại các bệnh viện, trung tâm lớn. Riêng chất thải y tế phát sinh tại các phòng khám nhỏ lẻ thu gom trực tiếp đúng tuyến đạt khoảng 90%. Phần còn lại lẫn lộn với chất thải rắn sinh hoạt và được chuyển về bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Về công tác xử lý môi trường tại Khu chế xuất, khu công nghiệp (KXC, KCN), ông Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng Quản lý môi trường Ban quản lý các KCX, KCN TPHCM (Hepza) cho biết, theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN TPHCM, đến năm 2020, toàn thành phố có tổng cộng 23 KCX, KCN tập trung với tổng diện tích hơn 5.992ha. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho môi trường, ngay từ khâu đầu tư, Hepza đã buộc các chủ đầu tư hạ tầng KCX, KCN phải tuân thủ đầy đủ pháp lý về môi trường; có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường giám sát hoạt động của doanh nghiệp và vận hành hệ thống xử lý nước thải; có mạng lưới thoát nước thải, nước mưa riêng biệt; có nhà máy xử lý nước thải tập trung; đảm bảo diện tích cây xanh theo quy định… Song song đó, từng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong KCN, KCX cũng phải đảm bảo yêu cầu khắt khe về nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, phân loại chất thải rắn…

Hải Minh - Phúc Anh

Tin cùng chuyên mục