Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết, TPHCM đã triển khai các kế hoạch hướng đến xây dựng TPHCM thành TP thông minh, phát triển bền vững. Để triển khai hiệu quả xây dựng đô thị hiện đại, đa chức năng thì cần có sự tham gia của nhà khoa học, người dân cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Tham gia thảo luận, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân (Trường Đại học KHXH-NV - ĐHQG TPHCM) phân tích, TPHCM đặt ra kế hoạch triển khai xây dựng đô thị sáng tạo nhằm tạo ra vai trò hạt nhân trong thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên nền tảng các ngành kinh tế tri thức. TPHCM cần vận dụng triệt để khoa học công nghệ để xây dựng đô thị thông minh.
Dẫn chứng kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh ở nhiều TP trên thế giới, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, mục tiêu cuối cùng của TP thông minh phải hướng đến việc tạo ra tiện ích cho con người. Theo đó, người dân ở các đô thị thông minh phải được hạnh phúc hơn, có môi trường sống trong lành hơn, không gặp các vấn đề về ngập nước, kẹt xe hay ô nhiễm môi trường sống...
Từ kinh nghiệm của Singapore, TS David Koh (Singapore) cho rằng, trong việc xây dựng TP thông minh cần có 3 yếu tố, gồm: thu nhập dữ liệu, tập hợp dữ liệu và chính sách, ý chí cũng như khả năng thực hiện của chính quyền. Trong đó, người dân là nguồn cung cấp thông tin dữ liệu. Song, người dân phải được cam kết các dữ liệu do chính quyền và doanh nghiệp nắm lấy sẽ không bị lợi dụng.
“Dù TP chưa thông minh nhưng thông tin của nhiều người dân đã bị bán”, TS David Koh nói và dẫn chứng nhiều người dân phải nhận những cuộc điện thoại vô duyên, hay như thư rác. Do vậy, việc xây dựng các quy định pháp luật là không thể thiếu trong điều hành TP thông minh. Ví dụ như quy định về bảo vệ riêng tư cho người cung cấp dữ liệu. Như ở Singapore, có một đạo luật không cho phép một cơ quan nhà nước lấy dữ liệu của người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm bảo quản và bảo mật thông tin, dữ liệu do người dân cung cấp.
Sáng cùng ngày 28-9, tại hội thảo về khát vọng xây dựng một TP thông minh và TP xã hội cho Việt Nam. Theo PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG-TPHCM) nhận xét, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh cho thấy quyết tâm của TP trong thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X: xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Cùng với sự phát triển theo hướng hiện đại, tích hợp công nghệ cao vào công tác quản lý cũng như các tiện ích đô thị, TP còn phải đảm bảo tính nhân văn và tính cộng đồng.
Trong đó, sự tham gia của người dân vào quá trình quy hoạch và phát triển đô thị là vô cùng quan trọng. Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP, khẳng định việc xây dựng một đô thị thông minh hoàn toàn không nằm ngoài ngoài mục tiêu phục vụ con người, cho xã hội tốt hơn. Các yếu tố xã hội khi được xem xét đầy đủ, thấu đáo sẽ giúp các giải pháp xây dựng đô thị thực sự thông minh và mang tính nhân văn.