“Trong những giờ, những tuần, những tháng tới, ký ức về vụ thảm sát sẽ như những đợt sóng khổng lồ quất mạnh vào chúng ta không ngừng nghỉ. Để chống lại nó, chúng ta phải đoàn kết sức mạnh, cùng nhau trụ vững”. Lời kêu gọi của triết học gia Abdennour Bidar trên báo Le Monde đã nhận được sự chia sẻ của hàng chục ngàn bạn đọc:
Đây là ngày 11-9 của chúng ta. Trong cuộc đời mỗi con người đều có những thời khắc thử thách. Những giây phút mà sự tổn thương do hận thù bắt chúng ta phải chịu đựng quá sức khủng khiếp, như muốn đánh gục ta. Theo thói thường, phản ứng đầu tiên sau khi bị đau hay giận dữ là gây bạo lực để đòi lại công lý, là chọn cách trả thù.
Nguy cơ thù hận sẽ dẫn đến xung đột tôn giáo là điều mà xã hội Pháp ngày nay đang phải đối mặt. Đây là thời khắc lịch sử cho các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta, cho các thể chế của chúng ta, giá trị của chúng ta, cho tất cả cá nhân chúng ta để chứng minh sự đoàn kết như một dân tộc. Khoảnh khắc lịch sử để chứng minh chúng ta không cho phép mình bị xúc động và không bị phân tán thành nhiều mảnh. Thời khắc lịch sử để chúng ta tìm lại các giá trị, tìm lại niềm tin dành cho nhau. Thời khắc lịch sử để chứng minh chúng ta quá mạnh mẽ để bị chệch hướng theo những kẻ phá hoại.
Và rằng, ngay cả khi bị tổn thương sâu sắc, chúng ta vẫn kiên cường, trung thành để tạo nên một xã hội từ những giá trị căn bản và cốt lõi - mọi giá trị nhân văn của quyền con người - chia sẻ và yêu thương trong lòng bác ái có thực; vượt qua những khác biệt về tín ngưỡng tôn giáo hay chính kiến. Thời khắc lịch sử đã đến để chứng minh rằng nước Cộng hòa không chết, rằng phương Tây và các giá trị của nó vẫn còn.
...
Chúng ta hãy cùng cho cả thế giới thấy rằng nước Pháp không bao giờ bị khuất phục trước sự hăm dọa của thù hận hay âm mưu gieo rắc nỗi sợ hãi. Ngược lại, nước Pháp biết tìm lại sự thống nhất, bừng sáng vào đúng lúc thảm kịch muốn triệt tiêu. Chúng ta có xứng đáng với tinh thần này? Chúng ta sẽ biết cách chứng minh - bởi đây đang là vấn đề trong nước cấp bách nhất, quan trọng nhất - rằng chúng ta có thể sống với Hồi giáo, có thể chung sống hòa bình với người Hồi giáo và không theo đạo Hồi. Hòa hợp, hiểu biết và thừa nhận lẫn nhau theo khái niệm thông thường của tự do ngôn luận, người với người tự do diễn đạt.
Giờ là lúc định hình tương lai, tại thời điểm này: hoặc chúng ta hoảng loạn sợ hãi, hay thù hận tư tưởng cực hữu nhân sự kiện Charlie Hebdo bị tấn công. Hoặc, chúng ta đối xử tốt với nhau, giữa người Hồi giáo và không theo Hồi giáo, cùng khẳng định bằng tiếng nói duy nhất chống lại sự tàn ác và niềm tin chung của chúng ta về khả năng xây dựng một xã hội vừa đa văn hóa, vừa không thể tách rời. Xã hội đó được nuôi dưỡng từ những di sản tinh thần của nhân loại và cũng như phi tôn giáo trong cùng thời gian mà không hề mâu thuẫn.
Đừng mắc phải sai lầm lịch sử khi phủ nhận Hồi giáo và người theo đạo Hồi đang tham gia vào dự án xã hội này. Ngược lại, những vụ thảm sát đê hèn càng tăng cường tình đoàn kết trong nước và quyết tâm chứng tỏ rằng với đạo Hồi, chúng ta xây dựng nền văn minh có khả năng tập hợp những gì nhân văn tinh túy nhất của phương Đông và phương Tây. Trong sự thống nhất đó, Hồi giáo là một phần số mệnh.
THỦY VÂN