Doanh nghiệp châu Âu hồi hương

Theo sau cuộc hồi hương của hàng loạt thương hiệu Mỹ, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang khởi động kế hoạch tương tự sau nhiều năm đẩy mạnh đầu tư bên ngoài. Kế hoạch hồi hương của các doanh nghiệp châu Âu diễn ra trong bối cảnh chi phí lao động tại các “công xưởng thế giới” như Trung Quốc, Ấn Độ tăng. Chẳng hạn, lương của người lao động ở Trung Quốc đã tăng lên 364% kể từ năm 2004 đến năm 2014. Theo các chuyên gia kinh tế, việc đưa sản xuất quay lại châu Âu là một bài toán thông minh xét về lâu dài. Các doanh nghiệp giờ đây nhận ra việc gia công ở nước ngoài có những nhược điểm về khoảng cách địa lý, khiến chi phí vận chuyển tăng vọt, thời gian giao hàng chậm trễ.

Các nhãn hàng quần áo, may mặc và các công ty điện tử là những doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ công cuộc hồi hương của các doanh nghiệp châu Âu. Thời gian dài đầu tư ở nước ngoài đã khiến họ nhận ra giá trị thật sự của nhãn hàng được gắn mác “Made in Europe” thay vì gắn mác tại các nước châu Á. Theo khảo sát của PricewaterhouseCoopers, có đến 60% trong tổng số 384 công ty phi tài chính ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã quay trở lại sản xuất tại châu Âu. Italia là quốc gia dẫn đầu với 44 công ty, Ireland ở vị trí thứ hai và theo sau là Đức, Tây Ban Nha… Trong thời gian qua, Italia đã buộc phải cắt giảm hoặc phải thu hẹp hoạt động sản xuất ở nước ngoài do nhu cầu tiêu thụ bị sụt giảm. Việc tái khởi động các dây chuyền sản xuất trong nước cũng nhằm mục đích thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước nhiều hơn nếu chi phí được tiết kiệm tối đa. Câu chuyện tương tự xảy ra tại Đức và buộc các công ty cỡ vừa như thương hiệu hàng gia dụng Fackelmann và nhà sản xuất cưa thép Stihl phải nhanh chóng hồi hương sau thời gian cân nhắc.

Tỷ lệ thất nghiệp cao tại châu Âu cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong khu vực muốn đưa hoạt động sản xuất về nước. Hiện nay, đà phục hồi mong manh của nền kinh tế cựu lục địa đang đứng trước những tín hiệu bất ổn mới khi báo cáo từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) gần đây cho thấy, lạm phát trong Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất (0,3%) trong gần 5 năm qua. Điều này có nghĩa Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải hành động quyết liệt hơn để tránh nguy cơ giảm phát trong khu vực.

Trong khi đó, tỷ lệ người thất nghiệp vẫn ở mức cao kỷ lục 11,5%, nhiều ý kiến lo ngại các biện pháp trừng phạt hay trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ukraine sẽ khiến đà tăng trưởng của Eurozone tụt dốc.

Ông Luciano Fratocchi, giáo sư chuyên ngành quản lý tại Đại học L’Aquila ( Italia) nhận định, hồi hương là một xu thế tất yếu khi có rất nhiều công ty đang phải vật lộn vì mục tiêu sống còn khi nền kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro như hiện nay. Đây không phải là một xu hướng nhất thời mà là một trào lưu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu sau hai thập kỷ phát triển trong mô hình thế giới phẳng. Tín hiệu lạc quan trước mắt trong việc châu Âu dịch chuyển sản xuất về nước có thể chính là một cú hích mà nền kinh tế tại lục địa này đang rất cần tới.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục