Cụ thể, theo phản ánh của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, hiện các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5%-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15%-70%, bao bì tăng từ 10%-15%...
Các nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản, đường… cũng tăng từ 5%-20%. Các nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu,… tăng từ 10%-15%, thậm chí có thời điểm tăng đến 30%. Ngoài ra, giá xăng nhập khẩu tiếp tục tăng, đẩy giá xăng trong nước và khiến các chi phí đi kèm nhích lên. Tất cả các yếu tố này đã làm tăng cao chi phí sản xuất các sản phẩm đầu ra chủ lực của ngành chế biến thực phẩm từ trứng, thịt heo, thịt gà, thủy sản…
Dù rất khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến sức mua của thị trường kém nhưng các DN sản xuất các mặt hàng thực phẩm thiết yếu chưa tăng giá. Các DN như Acecook, Vissan, Ba Huân, Sài Gòn Food, Vĩnh Thành Đạt… nỗ lực giảm chi phí không cần thiết, giảm hao phí phát sinh, tự động hóa sản xuất nhằm duy trì ổn định giá bán sản phẩm nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Liên quan đến vấn đề này, về phía Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị đã chủ động làm việc với các DN về vấn đề giá thành. DN muốn tăng giá bán cần phải có lộ trình và lý giải hợp lý. Không chỉ vậy, đơn vị còn cố gắng thực hiện chương trình giảm giá sản phẩm, tập trung nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ chống dịch. Điều này góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân.
Tuy nhiên, để tạo thêm nội lực giúp DN “kìm” giá bán sản phẩm trong bối cảnh nhiều loại chi phí tăng mạnh, DN kiến nghị các cơ quan chức năng cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng cần bổ sung các DN chế biến lương thực thực phẩm vào danh mục đối tượng được hỗ trợ các chính sách về miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay từ Nhà nước, tạo điều kiện giúp DN bổ sung nguồn vốn nhằm dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Thực tế, nhiều DN chưa tiếp cập được chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, thậm chí còn bị các ngân hàng tính toán tăng lãi suất cho vay lên. Riêng tại TPHCM, các DN kiến nghị TP sớm triển khai đề án phát triển kho lạnh, góp phần làm tăng giá trị hàng hóa, tạo dựng chuỗi liên kết cho các hộ sản xuất nông nghiệp, DN nhỏ và vừa. Đây chính là hướng đi bền vững giúp các DN duy trì ổn định sản xuất, từ đó tạo cơ sở để DN có thể đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân dài hơi hơn.