Doanh nghiệp chủ động ứng phó

Giá xăng dầu thế giới leo thang buộc giá xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng giá. Thực tế này đã tác động mạnh đến cơ cấu chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN). Việc lên phương án chủ động ứng phó với tình hình này đang được các DN gấp rút triển khai.

Ông Vũ Nam Chiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Nhất Hương, nhận định, với giá xăng dầu như hiện nay có thể đẩy giá nguyên liệu sản xuất tăng 2%-3%. Nếu chỉ dừng ở mức hiện tại thì DN vẫn có thể điều chỉnh, tiết giảm chi phí sản xuất từ những khu vực khác để bù đắp và duy trì giá thành sản phẩm không đổi. 

Còn ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM chia sẻ, hiện nhiều DN dệt may đặt nhà máy sản xuất ở nhiều địa phương; chưa kể DN phải thường xuyên vận chuyển nguyên phụ liệu từ cảng về nhà máy phục vụ sản xuất, hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Do vậy, phí vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các nhà máy sẽ tăng theo giá xăng. Ngoài ra, với một số DN có khâu sản xuất như dệt hoàn tất sẽ bị tác động mạnh hơn, do các máy móc sử dụng dầu FO để chạy.

Trên thực tế, ngay sau Tết Nguyên đán, một số DN đã phải điều chỉnh giá bán sản phẩm tăng 10%, vì giá nguyên vật liệu một số mặt hàng và giá dịch vụ logistics đã tăng 3-5 lần. Do vậy, khi giá xăng dầu trong nước tăng, các DN rất khó điều chỉnh giá bán tiếp theo vì lo ngại ảnh hưởng đến sức mua. 

Nhằm ứng phó với việc biến động giá xăng dầu, các DN cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng nội lực cho DN. Ông Vũ Nam Chiến cho biết, để có thể giảm tác động từ giá xăng dầu, DN phải tăng tỷ lệ dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất. Với những nguồn nguyên liệu có thời hạn bảo quản lâu có thể đưa về kho lưu trữ. Riêng với nguồn nguyên liệu đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật bảo quản cao thì có thể phải ký hợp đồng mua trước với các DN cung ứng. Để làm được điều này, nhà nước phải hỗ trợ vốn cho DN.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ vốn cho DN. 

Về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%, việc thực thi chính sách này cần phải được phổ biến rõ hơn, tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu một cách khác nhau và khó áp dụng thống nhất cho DN. Nói chung, để giảm thiểu khó khăn mà DN đang gặp phải, Chính phủ cần có sự điều tiết giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm chia sẻ gánh nặng với DN.

Tin cùng chuyên mục