Doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận hỗ trợ

Ngày 1-10, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức “Diễn đàn từ chính sách đến thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19” theo hình thức trực tuyến.
Các đại biểu tham dự diễn đàn
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Tại diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, trong năm 2020, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân khoảng 129.000 tỷ đồng. Năm 2021, Chính phủ tiếp tục có Nghị định số 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ miễn, giảm khoảng 30 loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu. Bộ Tài chính ước gói hỗ trợ theo Nghị định số 52 là khoảng 115.000 tỷ đồng.

“Bắt đầu thực hiện từ tháng 4-2021, tính đến hết tháng 9, đã hỗ trợ và gia hạn khoảng 78.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp; trong đó, khoản tiền được hỗ trợ nhiều nhất là tiền thuế GTGT (chiếm 60%)”, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.

Theo đánh giá của Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, phản ứng của Chính phủ khi đưa ra các chính sách, gói hỗ trợ là khá nhanh, nhưng khi thực thi vẫn còn có vấn đề. Chẳng hạn, ngay từ tháng 3-2020, chúng ta đã có các nhóm giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch mới xảy ra, nhưng có những chính sách (như hỗ trợ doanh nghiệp vay quỹ để trả lương cho công nhân) thì đến tháng 10-2020 vẫn chưa có doanh nghiệp nào vay được và cho đến nay, số doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vay này là rất ít. 

Tham gia diễn đàn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Ban IV) do Chính phủ thành lập, cho rằng, từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến thực tế không như kỳ vọng của doanh nghiệp.

“Có những quy trình, thủ tục hỗ trợ, doanh nghiệp làm rất mất công mất sức, cần chứng minh, thậm chí chứng minh đến hàng tập hồ sơ, nhưng số tiền nhận được lại quá ít, nên cuối cùng doanh nghiệp cũng từ bỏ”, bà Thủy cho biết. Do thủ tục khó khăn nên các doanh nghiệp thường đặt ra câu hỏi “có đáng để làm hay không” khi so thời gian và công sức bỏ ra với khoản tiền hỗ trợ có thể nhận được. 

Đề cập giải pháp, bà Thủy đồng tình với kiến nghị của ông Tuấn về việc các chính sách, gói hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp nên thiết kế đơn giản, dễ hiểu và dễ dàng thực hiện. Khẳng định chính sách đưa ra chắc chắn sẽ có những điểm chưa phù hợp, nhưng theo ông Tuấn, quan trọng là phải kịp thời sửa đổi (như hiện nay có những chính sách hỗ trợ không hợp lý, song mất 6-7 tháng mới sửa thì quá chậm). Đồng thời, Nhà nước cũng cần có kênh tiếp nhận phản hồi, đánh giá độc lập và kiểm chứng các chính sách hỗ trợ, không để như thời gian qua, có những chính sách ban hành xong là coi như “xong nhiệm vụ”.
VĂN PHÚC 

Tin cùng chuyên mục