Doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm ​

Tổng cục Thống kê vừa thực hiện một điều tra chuyên đề về xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) quý 2 đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo – động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Ngành này có tốc độ tăng 11,42% trong 6 tháng vừa qua, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP chung. 
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ tăng 11,42% trong 6 tháng vừa qua, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP chung
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ tăng 11,42% trong 6 tháng vừa qua, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP chung

Con số này thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, tuy vẫn ở mức khá trong cả giai đoạn.

Tham gia cuộc khảo sát chuyên đề quý 2-2021 của cơ quan thống kê quốc gia có tổng số 5.670 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 87,2% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra) và 6.240 doanh nghiệp ngành xây dựng (chiếm 89,5% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra).

Có 68,2% số doanh nghiệp nhận định rằng hoạt động SXKD quý 2 so với quý 1 tốt lên và giữ ổn định (30,5% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 37,7% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định), 31,8% doanh nghiệp cho rằng SXKD khó khăn hơn. Niềm tin của doanh nghiệp đối với Chính phủ trong quản lý, điều hành nền kinh tế gia tăng, thể hiện qua việc có tới 77,8% doanh nghiệp dự báo tình hình quý 3 - 2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 2 (39,2% tốt hơn, 38,6% giữ ổn định. Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn là 22,2%.

 Số lượng đơn đặt hàng mới tăng là nhân tố quan trọng dẫn đến khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp tăng trở lại. Dự báo số lượng đơn hàng mới quý 3 so với quý 2, có 79,0% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (37,1% tăng và 41,9% giữ nguyên), 21,0% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm. Số lượng đơn đặt hàng mới 6 tháng cuối năm 2021 so với 6 tháng cuối năm 2020 được 83,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (43,6% tăng, 39,5% giữ nguyên).

Đáng lưu ý, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu trong quý 2 tăng nhẹ - dấu hiệu cho thấy nhu cầu của khách hàng ở nước ngoài đang dần cải thiện. Quý 3, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục khả quan hơn (79,4% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên), 20,6% doanh nghiệp dự báo giảm. Dự báo cho 6 tháng cuối năm 2021 so với 6 tháng cuối năm 2020, có 82,8% doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên, 17,2% doanh nghiệp dự báo giảm.

Trên cơ sở phân tích hàng loạt yếu tố liên quan đến sản xuất kinh doanh như lượng tồn kho, nguồn vốn, chi phí sản xuất, chi phí nguyên vật liệu…, doanh nghiệp nêu ra 5 kiến nghị quan trọng với các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ nhất, có ngay các chính sách nhằm bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép; tránh để tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao như thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thi công của các công trình xây dựng.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bằng các chính sách tín dụng, tài chính, giảm lãi suất, giãn nợ, giảm thuế, đồng thời có giải pháp hiệu quả cắt giảm thủ tục và rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân đối với các công trình có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính công, đơn giản hóa thủ tục trình tự cấp giấp phép xây dựng, để các công trình, dự án sớm được thi công, tạo lập nhiều kênh thông tin để lắng nghe và chia sẻ, phản hồi lại các ý kiến của các doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật có liên quan nhằm tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Cuối cùng thứ năm là đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục