Doanh nghiệp nhà nước trong vai trò kiềm chế lạm phát : “Phải tính như mang tiền nhà đi đầu tư”

Nỗi ưu tư của các “anh cả”

Tại buổi làm việc với Thủ tướng vừa qua, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều thể hiện quyết tâm sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ là đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu. Và thực tế, trong 7 tháng qua, các tập đoàn, tổng công ty (TCT) đã thắt lưng buộc bụng, chấp nhận giảm lãi để thể hiện rõ vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết các tập đoàn, TCT đều cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008, 5 tháng còn lại phải có nhiều đột phá để có thể biến khó thành thuận, biến thua thành thắng.

Nỗi ưu tư của các “anh cả”

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng cho rằng, hầu hết các tập đoàn, TCT Nhà nước là hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, thời gian qua, các tập đoàn, các TCT đã bị xã hội nhìn nhận chưa đúng khi cho rằng các tập đoàn đã mải mê đầu tư ngoài ngành, chạy theo lợi nhuận, quên làm nhiệm vụ chủ lực của mình. “Việc đầu tư ngoài ngành vẫn hiệu quả, không đến mức làm biến dạng nền kinh tế như dư luận lo ngại. Kinh doanh bất động sản, chẳng lẽ chỉ có tư nhân mới được làm. Cái gì có lợi, có hiệu quả thì phải để các tập đoàn, các TCT làm chứ”, ông Thăng nói.

Thực tế, theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong thời gian qua cũng có một số tập đoàn, TCT đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản với số tiền là 7.370 tỷ đồng. Xét chung, số tiền này không nhỏ. Nhưng so với vốn chủ sở hữu và tài sản doanh nghiệp thì tỷ lệ này không lớn. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng phân tích, vì đây là những lĩnh vực có độ rủi ro cao, đặc biệt là trong bối cảnh ở nước ta, thị trường chứng khoán và bất động sản chưa ổn định nên xã hội không khỏi băn khoăn. Một số doanh nghiệp nhà nước cũng có biểu hiện đầu tư theo phong trào, chú trọng đến lợi ích trước mắt mà không tính đến phát triển lâu dài, bền vững.

Ông Lê Quang Thung, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng cho rằng, cần có đánh giá đúng thực chất về vấn đề ngành chính, ngành ngoài của các tập đoàn. “Có lẽ phải đánh giá lại tài sản của các tập đoàn, TCT, tiến hành khấu hao và định giá tài sản thực của doanh nghiệp, từ đó sẽ có cái nhìn tổng thể về tình trạng của doanh nghiệp, tránh tình trạng bị hiểu không đúng như hiện nay”, ông Thung nói. Nhưng ngược lại, theo ông, việc đầu tư vào lĩnh vực nào, thời điểm nào, hiệu quả ra sao là trách nhiệm của doanh nghiệp. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể lường hết diễn biến của thị trường, nhưng mỗi doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong quyết định đầu tư của mình. “Phải tính toán như là mình mang tiền nhà đi đầu tư”, ông Thung bày tỏ quan điểm.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Các tập đoàn, TCT đều cho rằng sẽ thực hiện triệt để chỉ đạo của Chính phủ về tiết kiệm chi phí, kiểm soát giá thành để góp phần hữu hiệu cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ ngành cũng cần tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là về cải cách thủ tục hành chính. Ông Đinh La Thăng cho rằng, trong hoạt động của các tập đoàn, các TCT không tránh khỏi những sai sót, Chính phủ nhắc nhở là đương nhiên, nhưng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, chứ không phải khi nhắc nhở là lại dừng hết mọi việc lại, rất lãng phí.

Đó là chưa kể khi tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nhiều cán bộ thanh tra là người yếu về năng lực, không am hiểu doanh nghiệp nên thời gian để xử lý các phát sinh rất lâu, khiến doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Lãnh đạo TCT Máy nông nghiệp Việt Nam cũng than vãn, thủ tục hành chính hiện nay quá khó chịu, rất chậm chạp. Đa phần con đường đi của một loại giấy tờ, văn bản xin ý kiến cấp trên mất quá nhiều thời gian, có khi tới 2-3 tháng khiến nhiều cơ hội doanh nghiệp đành phải bỏ qua. TCT này đề nghị các bộ ngành học tập kinh nghiệm của Bộ Công thương, khi áp dụng tiêu chuẩn ISO thì thời gian xử lý, phúc đáp văn bản chỉ mất độ 1 tuần, rất tiện lợi cho doanh nghiệp.

Cũng bày tỏ sự “nóng ruột”, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ĐT và PT Trần Bắc Hà cho rằng, thực tế cho thấy, nếu trong việc điều hành chính sách tiền tệ, Chính phủ có những “cú đấm” mạnh hơn thì hiệu quả sẽ cao hơn. 6 tháng đầu năm, hoạt động của ngân hàng vẫn ổn, có lãi. Tuy nhiên, ông Hà nhận định 6 tháng cuối năm, tình hình sẽ khó khăn, lãi đang có chiều hướng sụt giảm, nợ xấu bùng phát.

Để giải bài toán doanh nghiệp thiếu vốn vì lãi suất quá cao, bên cạnh việc phải giảm lãi suất ngân hàng khi nền kinh tế đã đi vào ổn định, ông Hà còn cho rằng Chính phủ cần tăng vốn cho các tập đoàn, TCT. Theo ông, những năm qua, gần như các tập đoàn, TCT không được cấp vốn. Phần lớn phải tự tích lũy, vì vậy vốn chủ sở hữu rất mỏng, họ cần được tăng cường để thêm năng lực, cũng là cách để hạn chế việc phải đầu tư quá nhiều lĩnh vực có độ rủi ro cao theo kiểu lấy ngắn nuôi dài.

Bên cạnh đó, ông Phạm Lê Thanh, TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sớm hình thành thị trường điện, xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường song song với việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo để bảo đảm công bằng xã hội, khuyến khích việc tiết kiệm điện do giá cao.

Trong các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm của những doanh nghiệp nòng cốt nền kinh tế này, ông Phạm Viết Muôn, Phó ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho biết, trong năm 2008, các tập đoàn, TCT sẽ tạm dừng việc đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.

Q.Phương

Tin cùng chuyên mục