Doanh nghiệp nợ BHXH: Người lao động chịu thiệt

Tính đến hết tháng 10-2012, số doanh nghiệp (DN) nợ tiền BHXH trên cả nước là 7.680 tỷ đồng, tăng 1.830 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng TPHCM, số tiền nợ BHXH lên đến 1.520 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với năm 2011. Tuy nhiên để đòi được nợ BHXH đảm bảo quyền lợi cho người lao động không dễ…
Doanh nghiệp nợ BHXH: Người lao động chịu thiệt

Tính đến hết tháng 10-2012, số doanh nghiệp (DN) nợ tiền BHXH trên cả nước là 7.680 tỷ đồng, tăng 1.830 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng TPHCM, số tiền nợ BHXH lên đến 1.520 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với năm 2011. Tuy nhiên để đòi được nợ BHXH đảm bảo quyền lợi cho người lao động không dễ…

Đại diện doanh nghiệp đang làm thủ tục đóng BHXH cho người lao động tại quận 1. Ảnh: H.VIỆT

Đại diện doanh nghiệp đang làm thủ tục đóng BHXH cho người lao động tại quận 1. Ảnh: H.VIỆT


Mất nhiều quyền lợi

Việc DN nợ BHXH khiến các quyền lợi của người lao động như: hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất… sẽ không được giải quyết. Bên cạnh đó, do đơn vị nợ BHXH nên cơ quan BHXH không tiến hành chốt sổ BHXH để người lao động hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Anh N.V.H., tài xế taxi cho biết, anh được ký hợp đồng lao động từ 2009 đến nay nhưng vừa rồi do áp lực công việc nên anh xin nghỉ việc. Do chưa tìm được việc làm mới nên anh đến công ty yêu cầu được chốt sổ BHXH để đi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đến lúc này anh H. mới biết công ty chưa đóng BHXH cho anh mặc dù hàng tháng anh vẫn phải trích tiền BHXH nộp cho công ty. Bức xúc anh nộp đơn lên thanh tra lao động đề nghị xử lý, lúc này mới biết là công ty của anh nợ BHXH của người lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Còn chị N.T.T., công nhân may, thì đến khi nghỉ thai sản mới biết công ty chưa đóng BHXH cho chị trong lúc hàng tháng vẫn trích tiền lương đóng BHXH. “Khi chồng tôi đi đòi quyền lợi cho tôi thì họ bảo do hồ sơ thất lạc nên công ty sẽ chịu trách nhiệm chi trả chế độ thai sản khi đi làm lại. Hết thời gian thai sản, tôi đi làm lại mới hay giám đốc công ty đã bỏ trốn về nước và hiện đang nợ tiền BHXH của công nhân trên 1 tỷ đồng. Vậy là các quyền lợi về thai sản, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… của tôi coi như mất trắng” - chị T. than thở.

Theo BHXH TPHCM, tình trạng nợ BHXH kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động như không được hưởng các quyền lợi trước mắt như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, trợ cấp thất nghiệp và quyền lợi hưu trí sau này. Nguyên nhân nợ BHXH tăng đột biến trong năm nay một phần do kinh tế khó khăn nhưng đa phần là cố tình chây ì để chiếm dụng vốn do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận DN cố tình nợ BHXH, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH còn nhiều bất cập như mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt phức tạp, không quy định xử lý hình sự khi chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.

Chế tài chưa đủ mạnh

Thời gian qua, BHXH TPHCM cũng đã thực hiện một số giải pháp để xử lý nợ BHXH như phối hợp với tòa án, Cục Thi hành án dân sự, thanh tra lao động, Liên đoàn Lao động TP trong giám sát thực hiện luật BHXH và thực thi các vụ kiện đòi nợ BHXH. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập nên việc phối hợp này chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn, tình trạng DN chây ì đóng BHXH vẫn không giảm. Nhiều DN lúc đầu đóng BHXH với số tiền nhỏ nhưng do không được thực hiện nghiêm túc nên số nợ tăng dần dẫn đến mất khả năng chỉ trả. Khi đơn vị BHXH kiện ra tòa thì DN tuyên bố phá sản hoặc bỏ trốn. Một bất cập nữa trong công tác khởi kiện là tòa án xử lý hồ sơ khởi kiện quá chậm dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Cụ thể, những DN nợ BHXH quá 6 tháng trở lên, cơ quan BHXH sẽ lập hồ sơ khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên đòi hỏi nhiều thủ tục nên thường mất từ hơn 1 năm vụ kiện mới được thực hiện. Thậm chí, một số DN bị kiện thua kiện buộc phải đóng tiền nợ BHXH nhưng vẫn không chấp hành phán quyết của tòa án. Đó là chưa nói đến những DN nợ số tiền hàng tỷ đồng sau đó chủ DN bỏ trốn, phong tỏa tài khoản thì chỉ còn… 500 đồng, còn tài sản thì đã thế chấp hết cho ngân hàng.

Mặt khác, do chế tài xử phạt BHXH tối đa hiện nay chỉ 30 triệu đồng nhưng cơ quan BHXH lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam đang kiến nghị nâng mức chế tài xử phạt lên 10% số tiền DN nợ và bổ sung tội danh chiếm dụng quỹ BHXH vào Bộ luật Hình sự đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức sử dụng lao động nhưng không nộp BHXH và cần xử lý hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm nhiều lần

 BHXH TP chỉ đạo BHXH các quận, huyện từ nay đến cuối năm phải hoàn tất hồ sơ khởi kiện 200 DN nợ BHXH trên 6 tháng với số tiền hơn 300 triệu đồng hoặc nợ trên 100 triệu đồng từ 12 tháng trở lên. Theo thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gần 1.520 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2011 là 725 tỷ đồng).

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục