Năm 2018, Link Nature Power đã mang sản phẩm nước mắm Mami bán trên các sàn TMĐT nước ngoài. Thời gian đầu, sản phẩm của công ty xếp hạng rất thấp, số lượng bán ra ít. Có những khách hàng mua và dùng xong đòi công ty phải hoàn tiền lại vì sản phẩm không đúng với những gì đã quảng cáo. Tuy vậy, sau 3 năm, doanh thu của công ty này thông qua việc bán sản phẩm trên sàn TMĐT toàn cầu đạt 200.000 USD/năm. Mỗi ngày có hơn 100 sản phẩm được mua bởi người tiêu dùng Mỹ.
Ông Lê Bá Linh, nhà sáng lập Link Nature Power chia sẻ, ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là rao bán sản phẩm trên các sàn TMĐT toàn cầu và cứ để đó bán. Tuy nhiên nhận thấy tình hình kinh doanh không có tiến triển nên tôi dần thay đổi cách thức bán hàng. Chúng tôi mở chiến dịch gửi sản phẩm của mình cho khách hàng dùng thử và xin đánh giá từ họ. Sau một thời gian dài chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Từ đó chúng tôi dần đổi mới từ chất lượng sản phẩm, bao bì… để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ.
Cũng như Link Nature Power, Công ty CP Trà cà phê An Nhiên đã gặt hái được nhiều thành quả khi bán hàng trên sàn TMĐT. Theo ông Lê Quyết Tâm, Giám đốc chiến lược Công ty CP Trà cà phê An Nhiên, công ty chịu khá nhiều áp lực trong giai đoạn đầu, vừa phải làm các hoạt động quảng bá sản phẩm, vừa tính đến việc hạ giá thành để có thể cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên sàn giao dịch này. Tuy vậy, hiện tại doanh thu của An Nhiên đang khá tốt, đủ để chi trả các khoản chi phí vận hành nền tảng này. Về lâu dài, công ty đang cải tiến bao bì nhẹ hơn nhằm giảm chi phí vận chuyển để mang về lợi nhuận tốt nhất có thể.
Đáng nói, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều DN lao đao, không tìm được đơn hàng xuất khẩu, tồn kho lớn, doanh thu sụt giảm thì đơn hàng của những DN bán qua sàn TMĐT vẫn ổn định. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty CP Lai Phú. Ông Hà Tiến Phước, Giám đốc makerting công ty cho biết, công ty đã bán hàng qua TMĐT từ nhiều năm qua. Chính vì thế, trong suốt thời gian dịch bệnh đơn hàng của DN vẫn ổn định, thậm chí tăng mạnh do khách hàng chọn đây là kênh mua sắm đáng tin cậy.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch Covid-19 đã khiến các sản phẩm thực phẩm trở nên thiết yếu và quan trọng hơn do nhu cầu tăng cao và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Theo thống kê từ các sàn TMĐT toàn cầu thì lượng tìm kiếm mặt hàng F&B tăng từ 62% lên 152%, lượng thư nhận được lên tới 83,5% của toàn ngành nông nghiệp. Và Việt Nam là quốc gia xếp thứ 7 nhận được lượng đơn hàng nhiều nhất đến từ các quốc gia: Ấn Độ, Mỹ, Anh, Pakistan, Nam Phi, Brazil… Qua đó có thể nhận thấy, dịch Covid-19 đã đẩy mạnh nhu cầu mua hàng thực phẩm, đồ uống qua TMĐT.
Dù có nhiều lợi thế song theo phản ánh của các DN, việc bán hàng trên sàn TMĐT cũng có những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, chứng nhận xuất xứ nguồn gốc, đó là chưa kể chiết khấu của sàn TMĐT khá cao nên DN cần lưu ý để có hướng tiếp cận hiệu quả nhất. Do đó, để hỗ trợ DN xuất khẩu qua nền tảng này, những năm qua Bộ Công thương đã hợp tác cùng một số sàn TMĐT triển khai hàng loạt chương trình về đào tạo, hỗ trợ DN Việt. Thông qua hợp tác này, cho đến nay đã có hàng trăm DN Việt đưa thành công trong việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, từ đó mở rộng thị phần xuất khẩu và tăng doanh thu hiệu quả hơn.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA, EVFTA, CPTPP), điều này mở ra rất nhiều lợi thế về thị trường cho DN ngành chế biến lương thực, thực phẩm phát triển. Để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, cũng như tăng khả năng cạnh tranh, DN trong nước cần chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh thành, giữa nông dân - DN sản xuất - nhà quản lý để tạo ra vùng nguồn nguyên liệu ổn định... |