Gameshow truyền hình từng chiếm sóng các khung giờ vàng và mang về doanh thu quảng cáo lớn cho các đơn vị sản xuất/kênh truyền hình. Song sự phát triển ồ ạt của nhiều thể loại gameshow đã khiến doanh thu quảng cáo đang lao dốc mạnh trong 2 quý đầu năm 2017.
Khán giả bỏ gameshow
Gameshow truyền hình đã có mặt tại Việt Nam từ những năm đầu 1990 của thế kỷ trước, là một dạng hoạt động giải trí văn hóa, ở đó các cá nhân hoặc tập thể phải vượt qua các vòng thi khác nhau để giành chiến thắng.
Từ khi xuất hiện đến nay, gameshow mang lại nguồn lợi nhuận cao cho các đơn vị đầu tư và khai thác thị trường truyền hình. Song hiện nay, nhiều gameshow đang có xu hướng thoái trào, do tần suất xuất hiện liên tục của các loại gameshow trên hàng loạt kênh truyền hình khiến khán giả “bội thực”.
Thách thức danh hài, một gameshow thu hút khán giả
Bên cạnh đó, nội dung chương trình thiếu tính sáng tạo, mới lạ gây ra sự nhàm chán cho khán giả. Ví dụ như các chiêu thức “trai giả gái” trong cả cuộc thi hát và hài, thí sinh tham gia là người nổi tiếng, trẻ con cũng có cuộc thi giống hệt người lớn…
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Vietnam-Tam đo 178 kênh truyền hình thì có 162 chương trình gameshow được phát sóng. Nhưng nếu tính những gameshow có lượt khán giả xem trung bình từ 15.000 khán giả trở lên chỉ 99 gameshow đạt, chiếm 61,2%. Như vậy, những gameshow có lượt khán giả xem trung bình dưới 15.000 khán giả có 63 gameshow, chiếm 38,8%. So với thời điểm 6 tháng đầu năm 2016, Vietnam-Tam đo lường 120 kênh truyền hình có 78 gameshow được lên sóng nhưng nhóm gameshow có hiệu quả thu hút khán giả trung bình dưới 15.000 lượt xem chỉ chiếm khoảng 21%.
Xét trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm nay, gameshow có thị phần trung bình là 2,2% tại Hà Nội và 3,2% tại TPHCM. So với cùng kỳ năm ngoái, thị phần khán giả theo dõi gameshow đã có sụt giảm, từ 4,5% xuống 2,3% tại thị trường Hà Nội và từ 7,5% xuống 3,4% tại TPHCM. Sự vươn lên của các nhóm chương trình khác như tin tức, phim dài tập, phim tài liệu hay các chương trình tường thuật về sự kiện đang cạnh tranh trực tiếp với gameshow. Thực tế cho thấy, các chương trình gameshow đang mất dần khán giả, phải chăng do sản xuất ồ ạt hay khán giả đã nhàm chán với các thể loại này!
Giảm khách, giảm quảng cáo
Không quá khó để thấy khung giờ vàng buổi tối các ngày trong tuần trên hầu khắp các kênh truyền hình đều đã và đang được lấp đầy bởi các gameshow. Có lẽ vì thị hiếu và âm giọng khác nhau mà khán giả 2 miền Bắc và Nam có những thói quen xem truyền hình nhất định. Khi khán giả khu vực phía Bắc trung thành với những gameshow được phát trên VTV3 thì tại khu vực miền Nam lại là cuộc chơi thu hút khán giả của 2 đài truyền hình địa phương là Đài Truyền hình TPHCM và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long.
Theo số liệu của Vietnam-Tam, từ đầu năm 2017 đến nay, trong tốp 10 gameshow có tỷ lệ khán giả theo dõi cao nhất tại 2 khu vực Hà Nội và TPHCM thì gameshow về thể loại âm nhạc chiếm đa số. Gameshow về âm nhạc cũng đã góp phần hồi sinh dòng nhạc bolero qua các chương trình như Thần tượng bolero, Solo cùng bolero, Tình bolero hoan ca… Thể loại gameshow hài hước cũng được khán giả truyền hình đón nhận sau một ngày lao động vất vả. Các nhà sản xuất ngày nay luôn mời những gương mặt nghệ sĩ gạo cội của làng hài tham gia trong vai trò giám khảo như Hoài Linh, Cát Phượng, Trấn Thành…, thu hút được lượng người chơi lớn tiêu biểu như các chương trình Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt, Ơn giời cậu đây rồi… Về thể loại cuộc thi kiến thức, Ai là triệu phú ở VTV3 là gameshow duy nhất thành công ở thời điểm hiện tại khi vẫn được khán giả khu vực miền Bắc đón nhận.
Cùng song hành với Ai là triệu phú từ ngày đầu lên sóng còn có các chương trình Đấu trường 100, Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia hay Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 nhưng những gameshow này lại đang bị khán giả dần lãng quên. Theo kết quả được thống kê của Vietnam-Tam trong 2 quý đầu năm 2017, nhóm khán giả theo dõi các chương trình gameshow trên truyền hình trong độ tuổi 4-15 chiếm 11%, nhóm khán giả trong độ tuổi 15-35 chiếm khoảng 23% trong khi nhóm khán giả 35+ chiếm 66%, lượng khán giả nữ chiếm 44%, nam giới chiếm 54%.
Xét trong nửa cuối năm 2016, đo lường trên 120 kênh truyền hình tại thị trường Hà Nội và TPHCM, các gameshow lên sóng thu hút được xấp xỉ 44.000 lượt quảng cáo. 6 tháng đầu năm 2017, Vietnam-Tam đo lường trên 178 kênh truyền hình ở cả Hà Nội và TPHCM thì có gần 72.000 lượt, nhưng doanh thu lại có sự khác biệt lớn. Sau 6 tháng đầu năm nay, các nhà đài thu được tổng cộng 2.033 tỷ đồng, trong khi 6 tháng cuối năm ngoái doanh thu cũng đạt gần 2.000 tỷ đồng nhưng số lượt quảng cáo chỉ chiếm hơn 1/2 so với 6 tháng đầu năm 2017. Như vậy, trung bình 1 spot quảng cáo trong chương trình gameshow năm 2017 có giá trung bình là 28 triệu đồng/lượt phát sóng trong khi 2016 là 45,5 triệu đồng/spot.
Nhìn chung, giá quảng cáo ở các chương trình gameshow đang giảm nhanh chóng. Do đó, các đơn vị sản xuất và khai thác gameshow cần phải thay đổi, làm mới, nội dung hấp dẫn để thu hút khán giả. Bên cạnh đó, các đài truyền hình cũng cần cân nhắc khai thác hợp lý các gameshow để tránh trường hợp gameshow “nhảm” tràn lan, mất niềm tin, gây nhàm chán cho khán giả.