Độc đáo di sản văn hóa Nam bộ

Ngày 23-11, tại Bảo tàng TPHCM, trưng bày mỹ thuật cổ trong di sản văn hóa Nam bộ đã ra mắt đông đảo công chúng. Trưng bày do Bảo tàng TPHCM phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Hội Cổ vật TPHCM và các nhà sưu tập tư nhân tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII.

Ngày 23-11, tại Bảo tàng TPHCM, trưng bày mỹ thuật cổ trong di sản văn hóa Nam bộ đã ra mắt đông đảo công chúng. Trưng bày do Bảo tàng TPHCM phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Hội Cổ vật TPHCM và các nhà sưu tập tư nhân tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII.

Với gần 200 hiện vật mỹ thuật cổ Nam bộ (từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 20), trong đó có nhiều hiện vật quý lần đầu tiên ra mắt công chúng, trưng bày mỹ thuật cổ trong di sản văn hóa Nam bộ đã phản ánh sâu sắc những nét văn hóa đặc trưng của con người và vùng đất Nam bộ. Tính chất đa tộc của cộng đồng cư dân Gia Định - Sài Gòn và Nam bộ đã hình thành tính chất đa dạng văn hóa ở vùng đất này. Quá trình cộng cư, khai khẩn, mở mang vùng đất mới cũng là quá trình giao lưu, tiếp biến giữa các tộc người: Việt, Hoa, Chăm, Khmer… Do đó, Gia Định - Sài Gòn và mảnh đất phương Nam đã hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa. Trong đó, mỹ thuật dân gian chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, hiện diện trong những sinh hoạt phong tục, tập quán, lễ hội cũng như văn học nghệ thuật.

Chuyên đề mỹ thuật cổ trong di sản văn hóa Nam bộ giới thiệu các hình ảnh, hiện vật như tranh mỹ thuật dân gian vùng đất Nam bộ có liên quan đến tín ngưỡng dân gian, chủ yếu là Phật giáo. Chuyên đề cũng giới thiệu nhiều đồ bài trí, thờ cúng, dân dụng: bát bửu, lư hương, chân đèn, mõ, chuông, bản in giấy tiền vàng bạc, bao lam, bài vị thờ Bà Thủy Long, quả cưới, ô trầu, khay, hộp, bình điếu thuốc lào và hình ảnh về hiện vật, kiến trúc, điêu khắc cổ Nam bộ.

Dịp này Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng giới thiệu trên 70 hình ảnh và hiện vật về áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử cùng với những ứng dụng của nó trong đời sống. Đặc biệt là áo dài gắn liền với những phụ nữ có đóng góp quan trọng trong công cuộc kháng chiến, trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Ngoài ra, dịp này còn có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức như: thi tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TPHCM; triển lãm Nét vẽ xanh (tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh); biểu diễn nghệ thuật hát bội, cải lương; chương trình giao lưu đờn ca tài tử, biểu diễn nghệ thuật múa rối nước tại Khu du lịch Văn Thánh… Trưng bày mở cửa đến 23-3-2012.

Minh An

Tin cùng chuyên mục