Độc đáo hát sắc bùa Phú Lễ

Độc đáo hát sắc bùa Phú Lễ

Là nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, hát sắc bùa đã hình thành từ lâu đời. Tuy phổ biến ở một số tỉnh thành từ Bắc chí Nam, nhưng hiện nay, cả khu vực Nam bộ loại hình nghệ thuật này chỉ còn duy trì ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, mỗi độ xuân về tết đến hát sắc bùa còn phản ánh nét sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cư dân nông nghiệp.

Loại hình diễn xướng độc đáo

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, hát sắc bùa Phú Lễ ra đời khoảng giữa cuối thế kỷ 18, được ông Trần Văn Hậu (con rể ông Hồ Đức Quang) khi làm quan ở Bình Định thấy điệu hát sắc bùa hay đã đem về dạy cho người dân Phú Lễ hát khi ông về làm rể ở xứ này. Mục đích là để trình diễn phục vụ nhân dân trong xã trong những ngày xuân tháng tết, sau đó hát sắc bùa được truyền dạy sang các địa phương lân cận. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, hát sắc bùa Phú Lễ là hình thức diễn xướng gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp, vừa mang tính nghi lễ pha lẫn tâm linh, thường chỉ diễn ra trong dịp tết. Ngoài đáp ứng nhu cầu vui xuân đón tết, còn đáp ứng yêu cầu của nhiều gia đình trong những ngày đầu xuân năm mới là cầu bình an gia đạo, trừ đuổi tà ma và chúc xuân, chúc phúc, chúc nghề cho gia chủ, cho khách du xuân. Cho đến nay theo thời gian, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này đã ít nhiều mai một, biến đổi so với hình thức nguyên sơ.

Mỗi đội hát sắc bùa ít nhất có 4 người, do một ông bầu (đội trưởng) cầm trịch điều khiển. Nhạc cụ trong hát sắc bùa cơ bản giống nhau, gồm 1 đờn cò, 1 trống cơm, sanh cái và sanh tiền, xưa còn có pháo cái để ông bầu đốt trước mỗi nhà với ý nghĩa xua đuổi tà ma. Thường sau giao thừa, các đội múa hát sắc bùa sẽ bắt đầu đi đến từng nhà để hát chúc mừng năm mới. Dưới sự chỉ huy của ông bầu, đội sẽ nổi nhạc, vỗ trống cơm, gõ sanh tiền và hát các bài sắc bùa với nội dung chúc tụng đầu xuân, mừng thành quả mà gia chủ đã đạt được.

Các nghệ nhân hát sắc bùa Phú Lễ biểu diễn giao lưu tại Bảo tàng TPHCM

Các bài hát sắc bùa có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống dân dã, thường được sáng tác sẵn và học thuộc. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh, các ông bầu còn sưu tầm cả những sáng tác mới để cải biên thành lối hát sắc bùa. Theo ghi chép, thời kháng chiến chống Mỹ hát sắc bùa vẫn tồn tại, bên cạnh các bài hát truyền thống còn có các bài mang lời ca mới với ý nghĩa động viên quân dân chiến đấu và sản xuất. Ngoài hát, trong nghi lễ sắc bùa còn có phần múa, chủ yếu là nghệ nhân chơi sanh tiền đảm nhận nhưng hình thức này nay đã mai một nhiều, nhiều nơi chỉ đánh sanh tiền chứ không múa. Một thay đổi khác là các nghi thức có tính phù chú, trừ ma đuổi tà (thể hiện ngay trong tên gọi) cũng ít đi, cơ bản giản lược so với trước.

Ngoài hát sắc bùa ở Bến Tre, loại hình này hiện vẫn phổ biến ở các tỉnh thành như Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… So với các địa phương khác, hát sắc bùa ở Bến Tre có phần khác biệt: về nhạc cụ, gồm có 1 đờn cò, 1 trống cơm, sanh tiền và sanh cái chia đều cho các thành viên. Mỗi thành viên trong đội vừa là nhạc công vừa là diễn viên, hát theo lối cái kể - con xô. Đội ít nhất 4 thành viên, thành viên phát triển theo số chẵn nhưng nhiều nhất không quá 12 người và mỗi thành viên sử dụng 1 nhạc cụ. Đặc biệt, mỗi buổi hát sắc bùa chia 3 phần rõ rệt: phần nghi lễ, phần hát chúc phúc, chúc nghề giúp vui và phần kết thúc, giã từ đi ra. Từ cái nôi ban đầu ở xã Phú Lễ, nay hát sắc bùa đã lan tỏa sang nhiều xã lân cận như Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh (huyện Ba Tri), Tân Thanh, Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm)…

Nghệ thuật dân gian đặc sắc cần bảo tồn

Vua Diêm đế là người thánh triết. Dạy đẽo cây làm cái cày bừa. Trời năm nay thuận gió hòa mưa. Khai thiên xuống cho dân làm ruộng. Tôi chúc ông bà có nghề làm ruộng trúng mùa đặng giá. Gặp trời mưa xuống. Gieo mạ đã xong. Bắt trâu đực ròng. Cày đất cho bã. Kêu công nhổ mạ. Lại cấy cho dày. Một bông hai nhánh. Hòa muôn triệu triệu. Thử tắc khoan khoan. Dư muôn dư ngàn. Bán cho đặng giá. Năm mới giàu sang. Gia quan tấn lộc! Lẫn trong tiếng đờn cò réo rắt, tiếng trống cơm bùng bùng giục giã và nhịp gõ sanh tiền vui tai, bài hát sắc bùa “Chúc nghề làm ruộng” khiến hàng trăm bạn trẻ TPHCM trầm trồ tán thưởng, hào hứng vỗ tay theo nhịp trống. “Như bao đời nay, lời ca điệu diễn sắc bùa vừa đáp ứng được nguyện vọng, ước mơ, tình cảm của người nghe, người xem vừa kết nối mối quan hệ giữa người và người, con người với thiên nhiên và với môi trường xã hội. Chúng tôi rất cảm kích trước sự đón nhận của các bạn trẻ thành phố”, ông Nguyễn Văn Chấn, Đội trưởng Đội hát sắc bùa Phú Lễ, trực thuộc Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre, không giấu niềm vui. Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng ví von, diễn xướng sắc bùa Phú Lễ là cách chúc tết độc đáo của người dân Bến Tre nói riêng, thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Qua khảo sát điền dã còn cho thấy, không chỉ diễn ra vào dịp tết cổ truyền, giờ đây Đội hát sắc bùa Phú Lễ còn thực hiện hát giúp vui trong những ngày diễn ra lễ hội đình làng theo yêu cầu của ban khánh tiết và chính quyền địa phương. Đây cũng là nét văn hóa cổ truyền đặc sắc mà tỉnh Bến Tre đã xác định cần lưu giữ và bảo tồn.

Theo đó, từ những năm 1980 trở lại đây, hát sắc bùa Phú Lễ đã được nhiều nhà khoa học xã hội, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, nhà nghiên cứu văn hóa, GS-TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam… tập trung tiếp cận và dày công sưu tầm. Ông Lư Văn Hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre nói thêm, nằm trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị, nghệ thuật diễn xướng dân gian hát sắc bùa Phú Lễ hiện đang được UBND tỉnh Bến Tre giao Sở VH-TT-DL hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Để nghệ thuật diễn xướng dân gian hát sắc bùa Phú Lễ phát huy giá trị, công việc truyền nghề có vai trò quan trọng như thế nào? Làm sao để các bạn trẻ được tiếp cận, tiếp lửa để giữ nét văn hóa truyền thống này? Trả lời câu hỏi của bạn trẻ Hồ Thị Hồng Thắm, sinh viên năm 4 Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, ông Lư Văn Hội phấn khởi cho hay, trong quá trình khôi phục, bảo tồn loại hình hát sắc bùa Phú Lễ, có nhiều lớp truyền nghề hát sắc bùa đã được hỗ trợ, truyền dạy cho người dân. Đến nay, Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre đã tổ chức truyền dạy hát sắc bùa cho 40 người là những hạt nhân nòng cốt của diễn xướng hát sắc bùa tại địa phương. Trong đó, đáng chú ý là 20 bạn còn rất trẻ ở tại cái nôi sắc bùa - là học sinh Trường THCS xã Phú Lễ đã được truyền dạy bài bản.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục