Dốc sức bảo vệ rừng mùa khô

Tình hình hạn mặn đang diễn ra gay gắt khiến nhiều cánh rừng ở ĐBSCL khô kiệt trầm trọng, nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Đáng lo hơn là nhiều nơi mực nước dưới kênh mương cũng đang cạn dần dẫn đến tình trạng thiếu nước phục vụ cho việc phòng chống cháy rừng khi vào cao điểm mùa khô. Ở khu vực Tây Nguyên, tình hình nắng hạn gay gắt cũng đe dọa cháy rừng.
Kiểm tra độ ẩm của rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau). Ảnh: TẤN THÁI
Kiểm tra độ ẩm của rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau). Ảnh: TẤN THÁI

Nguy cơ cháy rừng tăng cao

Mặc dù hiện nay chưa phải là cao điểm của mùa khô, nhưng ghi nhận thực tế tại các lâm phần rừng tràm và rừng keo lai ở vùng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) các kênh mương bị kiệt nước rất nhanh, trên bề mặt đất rừng phần lớn đã khô cạn; những dây leo, thực bì bị thiếu nước nên ngày một héo khô; nguy cơ cháy rừng tăng rất cao. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV U Minh Hạ, hiện có trên 3.775ha rừng (trong số 19.583ha) dự báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm).

Trước tình hình trên, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV U Minh Hạ, cho biết bản thân ông và nhân viên thường xuyên đi kiểm tra PCCC rừng, gia cố đê, cống, đập giữ nước; đẩy nhanh việc dọn các kênh lưu thông, các chòi canh lửa… Đặc biệt là sửa chữa và bảo dưỡng các máy bơm, đường ống và vòi chữa cháy. “Mọi công tác chuẩn bị phải luôn sẵn sàng, nhằm khi có cháy xảy ra thì huy động nhanh nhất, kịp thời ứng cứu ngay”, ông Trần Văn Hiếu nói.

Để chủ động trong việc PCCC rừng, Công ty TNHH MTV U Minh Hạ đã thành lập ban chỉ đạo với 14 thành viên, thành lập 18 tổ máy bơm với 81 thành viên và 6 tổ hậu cần. Phối hợp với UBND các xã có rừng thành lập lực lượng xung kích trong cộng đồng dân cư (gồm 21 tổ, mỗi tổ 10-15 lực lượng). Chọn những người có kinh nghiệm PCCC rừng và mời chính quyền địa phương vào chỉ huy PCCC rừng nhằm phát huy hiệu quả hoạt động. Ngoài ra đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng mùa khô; ký cam kết quản lý bảo vệ và PCCC rừng với hơn 2.865 hộ nhận khoán và hợp tác đầu tư. Khi người dân ý thức phòng cháy rừng thì hiệu quả sẽ được nâng cao. Đáng mừng là những năm gần đây giá trị cây rừng được nâng cao, nên người dân rất quan tâm PCCC nhằm bảo vệ tài sản của mình.

Tại tỉnh Kiên Giang, công tác PCCC đang được ngành chức năng tập trung cao độ. Ông Phạm Quốc Dân, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), bộc bạch: “Ngay từ đầu năm, nhiệm vụ PCCC được đơn vị chủ động xây dựng trước. Tùy theo từng thời điểm và dự báo cấp cháy rừng mà bố trí lực lượng giữ rừng hợp lý”.

Trong khi đó, tại khu rừng đặc dụng trên cụm đảo Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau), Vườn quốc gia Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), rừng ở khu vực đồi núi của tỉnh An Giang… thì công tác PCCC khó khăn và căng thẳng hơn. Do đặc điểm rừng trên các đảo, đồi núi thường bị khan hiếm nước nên phải đào các giếng khơi dự trữ nước, lực lượng bảo vệ rừng phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát; dọn các đường băng cản lửa, lập trạm chốt, trực chiến thường xuyên…

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, đến cuối tháng 1-2020, trên địa bàn có trên 10.210ha rừng dự báo cháy cấp III (cao), hơn 12.440 ha dự báo cháy cấp IV (nguy hiểm). Sang tháng 2-2020 đã có hàng ngàn hécta rừng chuyển sang dự báo cháy cấp V (cực kỳ nguy hiểm). Còn tại An Giang, Chi cục Kiểm lâm thông tin toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn (16.860ha) đang ở dự báo cháy cấp IV. Dự báo, đầu tháng 3 sẽ bước sang dự báo cháy cấp V.  Ở Kiên Giang, thời điểm này có gần 10.000ha rừng ở mức dự báo cháy cấp V, tập trung ở huyện Hòn Đất, Giang Thành, đảo Phú Quốc…

Giám sát việc bảo vệ rừng

Ông Trương Thanh Hào, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, nhận định, năm nay lượng mưa ít, nắng hạn nhiều nên rừng khô nhanh và dự báo PCCC rừng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay từ đầu năm ngành kiểm lâm hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án PCCC rừng trình UBND tỉnh phê duyệt. Tới thời điểm này lực lượng chức năng đã bố trí tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao. “Công tác PCCC rừng ở Kiên Giang chủ động và sẵn sàng, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Đối với các đảo khó trữ nước thì ngoài việc đào các giếng khơi trữ nước, tỉnh chỉ đạo mua các bồn nhựa loại từ 2.000-5.000m3, bố trí tại các điểm có nguy cơ cháy cao. Phải chuẩn bị sẵn sàng và phát hiện hiện sớm tình huống để ứng phó kịp thời; ngược lại nếu để xảy ra cháy lớn thì khó chữa”, ông Trương Thanh Hào cho biết.

Lực lượng chức năng túc trực trên chòi canh lửa để quan sát, bảo vệ rừng ở ĐBSCL. Ảnh: TẤN THÁI

Tại tỉnh An Giang, ông Trương Minh Hùng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết, ngay từ đầu mùa khô đã khuyến cáo chủ rừng triển khai phương án PCCC rừng, bố trí phương tiện, lực lượng tại các vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao; hợp đồng thêm nhân viên bảo vệ rừng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm kết hợp với công an, quân sự thực hiện nhiều cuộc tuần tra, kiểm tra những vùng trọng điểm… Theo dự báo của ngành chức năng, mùa khô năm 2020 diễn biến phức tạp, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gay gắt. Hiện mực nước dưới các tuyến kênh phục vụ PCCC rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau thấp hơn năm 2019 từ 0,5-0,8m. Dự báo, tình hình thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian cao điểm mùa khô.

Ứng phó việc này, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo các chủ rừng rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch PCCC rừng mùa khô của đơn vị phù hợp với diễn biến thời tiết; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc bảo vệ rừng, nhất là bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”...

Thay nhau túc trực giữ rừng

Những ngày này, lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) chia nhau vào các cánh rừng để triển khai công tác PCCC rừng. Ông Võ Hồng Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Rẫy, cho biết, đơn vị hiện quản lý hơn 29.000ha rừng. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng phương án phòng chống cháy rừng, nhất là khu vực rừng thông trồng 600ha. Những khu vực này đơn vị đã thành lập các chốt canh lửa. Ngoài lực lượng cán bộ hiện có, đơn vị ký hợp đồng thời vụ với 15 người dân để thay nhau tức trực 24/24 giờ tại các chốt canh lửa. Đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng và đốt trước có điều khiển, làm đường ranh cản lửa; tuyên truyền bà con sử dụng lửa rừng an toàn.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đã có các quy định cụ thể để đảm bảo an toàn cho cây rừng, trong đó xác định khi thời điểm dự báo cháy rừng chuyển sang cấp II, chỉ được phép đốt dọn từ 16 giờ hôm trước đến 10 giờ hôm sau, tuyệt đối không được đốt dọn khi dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên. Thời điểm thích hợp và an toàn cho việc làm giảm vật liệu cháy (tiến hành dọn thực bì) từ cuối mùa mưa đến 15-1 hàng năm.

Theo một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, để phòng chống cháy rừng vào mùa khô, phía chi cục tỉnh đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền các địa phương, chủ rừng, chủ động áp dụng biện pháp kỹ thuật lâm sinh “đốt thực bì, có kiểm soát”, giảm vật liệu cháy, xây dựng và duy trì đường băng cản lửa.

Ông Hà Công Tài, Chi cục Kiểm lâm vùng IV (đơn vị quản lý rừng 11 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên), cho biết, để triển khai công tác phòng chống cháy rừng, Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã triển khai rất nhiều biện pháp. Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã có văn bản đề nghị chi cục kiểm lâm 11 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên kiểm tra, rà soát lại các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và PCCC rừng ở tất cả các cấp và chủ rừng; bố trí cán bộ, phương tiện, trang thiết bị trực và ứng trực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng; có sẵn phương án sẵn sàng phối hợp với các lực lượng để ứng phó, xử lý kịp thời đối với các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi xảy ra cháy rừng, đặc biệt là các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Ngoài ra, đơn vị cũng đã chỉ đạo đội kiểm lâm cơ động và PCCC rừng chuẩn bị phương tiện, lực lượng và trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ các địa phương trong vùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCC rừng khi được yêu cầu. Trong tuần tới, lãnh đạo Cục Kiểm lâm sẽ thành lập các đoàn đi các tỉnh Tây Nguyên kiểm tra công tác PCCC rừng.

Tin cùng chuyên mục