Dồi dào vốn tín dụng cuối năm

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nới hạn mức tín dụng thêm 1,5%-2% cho tăng trưởng tín dụng năm 2022 được kỳ vọng là “cơn mưa” giải tỏa “cơn khát” vốn cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Theo NHNN, với hạn mức tăng thêm, tương ứng có khoảng 350.000-400.000 tỷ đồng vốn tín dụng được đẩy ra thị trường trong 3 tuần cuối năm 2022.

Kết nối ngân hàng với DN

Tại TPHCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, hiện tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn khoảng 3,2 triệu tỷ đồng. Nếu tăng thêm hạn mức tín dụng, sẽ có thêm hàng ngàn tỷ đồng được các ngân hàng cho vay trong các tuần cuối năm 2022. Trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác như trái phiếu, chứng khoán khó tăng trưởng thì việc ngân hàng được tăng thêm tín dụng được TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá rằng sẽ giải tỏa được một phần “cơn hạn hán” thiếu vốn của DN.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng nhận định, thời điểm hiện nay nhu cầu vốn của DN, người dân rất lớn nên việc nới hạn mức tín dụng là rất tích cực và kịp thời.

Khách hàng đến giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: MINH HUY

Khách hàng đến giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: MINH HUY

Tuy nhiên, tại một hội thảo về khơi thông ngồn vốn vừa được tổ chức gần đây tại TPHCM, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), lại nhận định, việc ngành ngân hàng phải “tiêu” 300.000-400.000 tỷ đồng trong vài tuần cũng là một thách thức, dù biết rằng nhu cầu vốn của DN và nền kinh tế rất lớn. Vốn tín dụng không thiếu, các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí. Thế nhưng, ngân hàng cũng là DN, họ phải cho vay trên các điều kiện phù hợp, không thể hạ chuẩn, không thể cho những DN đang lỗ vay vì tiền cho vay là tiền huy động của người dân.

“Ngân hàng thương mại cũng phải “đốt đuốc’’ tìm DN tốt để cho vay. Ngay cả khi nguồn tín dụng dồi dào thì bản thân các DN phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được nguồn tín dụng”, ông Quang nói.

Với cái nhìn tích cực, TS Cấn Văn Lực cho rằng, không cần quá quan ngại về mức độ hấp thụ vốn của DN, vì danh sách khách hàng chờ vay vốn trước đó rất lớn. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, DN càng cần vốn trong khi các kênh huy động vốn khác đang gặp khó, nên ước tính nhu cầu vốn của DN sẽ tăng thêm từ 7%-14%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, trong các tuần còn lại của năm 2022 và thời gian tới, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ tiếp tục kết nối ngân hàng với DN ở từng lĩnh vực, ngành nghề và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất. Riêng với chương trình kết nối ngân hàng - DN, các ngân hàng thương mại sẽ bám sát mục tiêu và gắn liền với chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ… Tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã giải ngân được khoảng 93% trong tổng số 443.000 tỷ đồng cam kết cho vay vào hồi đầu năm.

Nhiều nỗ lực giảm lãi suất cho vay

Mặc dù tỷ giá hạ nhiệt nhưng lãi suất huy động trên thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng “nóng”. Lãi suất tiền gửi phổ biến đang ở mức 9%-10%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%-12%/năm.

Thậm chí, nhiều người gửi số tiền lớn còn được mời gọi với lãi suất ngoài niêm yết lên đến 13%/năm, hoặc hơn nếu cộng thêm các hình thức khuyến mãi. “Cuộc đua” lãi suất tiền gửi này đang làm cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DN giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN rất khó thực hiện.

Khách hàng tìm hiểu các khoản vay ngân hàng. Ảnh: MINH HUY

Khách hàng tìm hiểu các khoản vay ngân hàng. Ảnh: MINH HUY

Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các ngân hàng thương mại thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Hội đồng thành viên Agribank, cho biết, trong tháng 12, ngân hàng giảm 20% tổng số lãi phải trả cho khách hàng. “Agribank có quan điểm thận trọng trong cuộc đua lãi suất huy động. Chúng tôi sẵn sàng dùng nguồn lực nội tại để tiếp sức DN giảm bớt khó khăn, vì DN tồn tại thì ngân hàng mới phát triển”, ông Trí cho hay.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank, cũng cho biết, ngân hàng vừa được cấp thêm khoảng 20.000 tỷ đồng tín dụng sau khi được nới hạn mức. Hiện ngân hàng đã rà soát, thiết kế những sản phẩm phù hợp, với chi phí lãi vay hợp lý để đáp ứng nhu cầu vốn cho DN trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời tập trung rà soát, tiết giảm chi phí tối đa để kiềm chế mức tăng lãi suất cho vay hiện nay.

OCB cũng cho hay đang dành 3.000 tỷ đồng cho DN sản xuất kinh doanh ngành hàng thiết yếu có nhu cầu vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh cuối năm và đầu năm mới, với mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.

Sau khi NHNN nới hạn mức tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, hiện đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi giảm từ 0,5%-3%/năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết thêm, bên cạnh đồng thuận giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, các tổ chức tín dụng cũng rất đồng thuận đảm bảo giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5%-2%, tùy theo khả năng tài chính của mỗi ngân hàng.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú:

Ngân hàng phải chia sẻ với DN

NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Ngân hàng nào khó khăn, không làm được thì báo cáo NHNN để có biện pháp hỗ trợ. Tất nhiên, giảm lãi suất cũng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng ngược lại, không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra khó khăn cho DN và người dân… Cơ sở quan trọng để giảm lãi suất là cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận của ngân hàng.

Tin cùng chuyên mục