
Nga và phương Tây đã có phản ứng trái ngược nhau trước kết quả bầu cử tổng thống tại Belarus. Các quan sát viên bầu cử thuộc Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đưa ra báo cáo cho rằng chính phủ của đương kim Tổng thống Lukashenko đã gây khó khăn cho lực lượng đối lập bằng cách “bắt bớ, dọa dẫm ứng cử viên các đảng đối lập, sử dụng lực lượng truyền thông để vận động bầu cử cho mình và làm sai lệch kết quả kiểm phiếu”.
Mỹ dựa vào báo cáo này tuyên bố “không chấp nhận” kết quả bầu cử và cho rằng cuộc bầu cử đã được tổ chức trong “bầu không khí sợ hãi”. Trái lại, ngay sau khi Ủy ban bầu cử Belarus thông báo kết quả, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chúc mừng Tổng thống Alexander Lukashenko, trong đó nêu rõ: “Nga và Belarus hợp tác trên mối quan hệ hữu nghị bền chặt. Tôi tin chắc rằng nhờ vào nỗ lực phối hợp, chúng ta có thể thực sự tiến bước trên con đường xây dựng liên bang, đảm bảo phát triển dân chủ của cả hai nước”.

Phát biểu trên truyền hình vài giờ sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, Tổng thống Lukashenko (giành được 83% phiếu bầu) nói: “Kết quả bầu cử cho thấy rõ người dân Belarus là ai và ai là chủ của đất nước chúng ta”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của ông Lukashenko là nền kinh tế Belarus tăng trưởng mạnh, tình hình chính trị và an ninh ổn định.
Trong khi đó, vài ngàn người ủng hộ ứng cử viên đối lập Aleksandr Milinkevich đã kéo tới quảng trường trung tâm ở thủ đô Minsk để phản đối kết quả bầu cử (trong ảnh). Một kịch bản tương tự như “Cuộc cách mạng cam” tại Ukraine được lặp lại. Họ cắm trại suốt 2 ngày đêm. Thế nhưng điểm khác là số lượng người tham gia biểu tình đêm thứ hai ít hơn đêm thứ nhất. Người phụ trách chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Milinkevich, ông Sergei Kalyakin thừa nhận khó khăn trong việc “lật đổ Tổng thống Lukashenko”. Ông nói: “Số lượng người đến quảng trường không đủ, chúng tôi cần gấp 10 lần”. Giờ đây, lực lượng đối lập đang tiếp tục trông đợi sự giúp đỡ từ phương Tây.
Mỹ và EU gọi Tổng thống Lukashenko là “nhà độc tài cuối cùng ở châu Âu” và đang ra sức ngăn cản ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 (Tổng thống Lukashenko cầm quyền từ năm 1994). Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận tiếp theo của Mỹ và EU đối với Belarus có khác biệt.
Về Ngoại giao, Mỹ và EU siết chặt lệnh cấm Tổng thống Lukashenko cùng các quan chức cấp cao của Belarus tới Mỹ. Về kinh tế, Mỹ ngừng viện trợ cho Belarus. Tuy nhiên, EU không dám dùng biện pháp cấm vận kinh tế Belarus vì dầu và khí đốt của Nga xuất khẩu sang nhiều nước EU qua ngõ Belarus. EU không muốn “chính trị hóa thương mại”, điều mà họ từng hô hào Nga thực hiện khi xảy ra khủng hoảng năng lượng tại Ukraine.
Cái khó hiện nay của Mỹ và EU là làm sao thuyết phục Nga ngừng ủng hộ ông Lukashenko. Nhưng điều này cũng rất khó vì Nga không muốn mất thêm đồng minh thân cận ở phía Đông. Vì vậy cuộc giằng co giữa phương Tây và Nga tại Belarus vẫn tiếp diễn.
Huy Quốc (Theo FT, IHT)