Đôi dép đứt quai của mạ

Chiếc dép trái đứt một bên quai.

“Quái lạ… Mới mang có mấy bữa…”

Tôi nghe tiếng mạ lẩm bẩm trước cửa nhà. Rồi dáng mạ lúi húi hồi lâu bên cạnh chiếc dép sứt quai, tôi biết có người đang hùi hụi tiếc.

“Dép đó mạ đi lâu rồi mà. Màu cũ. Gót mòn. Quai đứt hẳn…”

doi-dep-dut-quai-voi-cong-thep-huyen-thoai-cua-me-4470.jpg
Đôi dép đứt quai với cọng thép huyền thoại của mạ

Tôi giậm thêm vài câu chê bai đôi dép chõng chơ trước mặt, cố tình hạ giá nó thật thấp để mạ quyết tâm mua đôi dép mới.

“Tết nhứt tới bên hông rồi, ai đời còn xài dép cũ đứt quai kéo xền xệt. Xui cả năm chừ…”

Hình như mạ quen nghe con gái càm ràm riết nên chẳng mấy bận tâm. Sau một hồi ngó tới ngó lui, mạ đứng bật dậy bước nhanh về phía cái kệ gỗ cũ kỹ. Tôi biết mạ đang sửa soạn đồ nghề chế quai dép.

Một sợi dây thép nhỏ. Một ngọn nến đỏ lửa. Một cái kềm bẻ thép. Mạ hơ sợi dây thép trên ngọn lửa hồng rồi bặm môi xiên qua cái quai dép mỏng kéo xuống đế dép. Loay hoay một lúc, mạ bấm kềm cắt phăng sợi thép uốn vài vòng quanh đế dép. Thế là dép hỏng đã sửa lành.

Chỉ có điều sợi thép xỉn màu lấp ló trên bề mặt chẳng thẩm mỹ chút nào, đi vào chân cứ gồ ghề, lộm cộm và nhói đau một bên ngón chân cái.

Tôi càm ràm mạ tiếc gì chiếc dép há mồm vá víu ấy, lỡ người khác thấy lại cười cợt “thời nào rồi còn nối dép đứt bằng dây thép mà đi…”. Chẳng lẽ tôi không sắm nổi cho mạ một đôi dép mới tinh, lành lặn hay sao? Thấy tôi cau có nét mặt và giẫm chân thình thịch trên nền nhà, mạ cười hiền dịu giọng: “Dép còn mới, vứt đi cứ thấy tiếc…”.

Ôi! Cái bệnh “tiếc của” của mạ thì tôi còn lạ gì. Vì tiếc nên nhà luôn lỉnh kỉnh vật dụng, đồ đạc: cái xoong gãy quai, bình đun siêu tốc mất nắp, đống chai lọ đầy ứ trong ngăn tủ, mấy bao bì ni lông chất đầy nắp chai, dép đứt, đế đèn, cục sạc pin… treo đầy bên vách tường.

Mấy chị em trong nhà thỉnh thoảng giấu mạ “thủ tiêu” ít nhiều đồ đạc không dùng đến ấy. Thế mà mạ biết, giận và không nói năng gì. Chúng tôi bèn rỉ tai nhau: “Thôi, đừng làm mạ buồn!”... Và đồ cũ lại chất đống!

Thỉnh thoảng mạ vớ lấy cái xoong gãy quai ra nấu nồi nước xông to đùng khi đứa cháu cảm cúm. Thỉnh thoảng mạ gom chai lọ rỗng í ới gọi với theo bà cụ nhặt ve chai để biếu cụ thêm ít đồng…

Nhìn cách mạ nâng niu đồ cũ, đồ hỏng và đồ suýt bỏ đi, dần dà con cháu thấu hiểu và tập tành thực hành đức tính tiết kiệm cùng lối sống giản tiện giống mạ, giống bà. Mạ bảo ai đã từng qua một thời đói khổ, túng thiếu mọi bề mới thấy quý vô cùng cuộc sống đủ đầy, dư dả của hiện tại.

Đủ đầy nhưng không được phép phung phí. Dư dả mà không được quyền lãng phí. Có như thế mới vun vén nuôi con cái khôn lớn, ăn học nên người. Có như thế mới dành dụm chút ít cho cháu chắt chút quà mỗi sớm mỗi chiều…

Tết đã đến bên ngoài khung cửa, thế mà bên dưới căn nhà chất chồng đồ đạc cũ kỹ này, giữa thế kỷ hai mươi mốt, mạ vẫn nhon nhón bước chân cho quen dần với cọng thép dưới đế dép mới cắm vào hôm kia.

THANH NY

Tin cùng chuyên mục