Đổi đời bằng cái chữ

“Nhiều năm rồi chồng tôi bệnh lên bệnh xuống…”. Nói được vài lời, chị lại nghẹn giọng. Hình ảnh người phụ nữ mộc mạc, chân chất tại buổi giao lưu về gương điển hình tiêu biểu vượt khó ở quận Bình Thạnh hôm ấy cứ tái hiện trong tâm trí tôi…

“Nhiều năm rồi chồng tôi bệnh lên bệnh xuống…”. Nói được vài lời, chị lại nghẹn giọng. Hình ảnh người phụ nữ mộc mạc, chân chất tại buổi giao lưu về gương điển hình tiêu biểu vượt khó ở quận Bình Thạnh hôm ấy cứ tái hiện trong tâm trí tôi…

        Tất tả mưu sinh

Người phụ nữ dung dị ấy là Huỳnh Thị Điệp. Căn nhà cấp 4 của gia đình chị nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng trong một con hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 5, quận Bình Thạnh.

Được khơi gợi, ký ức ùa về, chị chia sẻ: Năm 26 tuổi, chị kết hôn cùng anh Trương Văn Hoàng làm nghề thợ mộc. Cũng như bao gia đình khó khăn thời đất nước mới giải phóng, cuộc sống anh chị khá chật vật, trong khi chị lại mang căn bệnh viêm xoang mũi mãn tính. Do vậy, với công việc nhiều áp lực tại HTX dệt Quảng Hà hay ở UBND phường 5 (Bình Bình), mặc dù được thu nhập ổn định, nhưng chị đều không thể đảm đương. “Tôi thường xuyên thức khuya xử lý hồ sơ. Mà cứ thức khuya căng thẳng là máu mũi chảy ròng ròng. Sợ quá, mẹ tôi không cho đi làm nữa”, chị nhớ lại.

Nghỉ ở nhà, sinh 3 đứa con toàn năm 1, khó khăn chồng chất khó khăn. Rồi mẹ chị bệnh qua đời, vừa gánh vác gia đình nhỏ của mình, chị lo toan luôn người cha già nay đau mai yếu. Để mọi người trong gia đình mỗi ngày có được bữa cơm no, cả hai vợ chồng chị buộc phải làm không biết mệt. Đến khi các con đến tuổi đi học, gánh nặng gia đình như nghiêng hẳn về phía vai chị khi căn bệnh huyết áp, tim mạch của chồng chị mỗi ngày một nặng hơn. Cuộc sống túng quẫn, không có tiền đến chợ để thuê chỗ bán như người ta nên thấy miếng đất trống, chị kê bình nước sâm bán, thấy đoạn hẻm vắng người chị đặt nồi bánh canh, bún bò huế, bún riêu bán… Trong xóm, ai đặt cơm rượu, đặt xôi chè chị nhận nấu hết. Có giai đoạn dài chị nhận nấu ăn cùng lúc cho 3 - 4 gia đình. Xong việc nhà này tất bật chạy sang nhà kia như con thoi. Chỉ xuống đôi chân của mình, chị cho biết, 2 đầu gối của chị giờ bị thoái hóa nặng do 5 - 6 năm trời nhận nấu ăn cho một công ty với mỗi ngày phải bưng bê thức ăn 3 - 4 lần lên xuống 5 - 6 tầng lầu. Mỗi ngày xong việc, chị về đến nhà lúc nào cũng 9 - 10 giờ đêm, khi các con đã ngủ say. Lúc đó, chị mới bắt tay vào giặt giũ áo quần cho cả nhà.

        Đánh cược...

Càng nghèo khó, chị càng nuôi dưỡng ý chí cho con vươn lên trong cuộc sống bằng kiến thức. “Để thoát nghèo, không còn con đường nào khác hơn là phải học. Ngày xưa, tôi đã thi đậu vào đại học nhưng vì quá nghèo, mẹ lại bệnh nên nghỉ ngang”, chị nuối tiếc. Hiểu được tâm tư của chị nên con cái chị cố gắng học hành. Gia đình được xếp vào diện nghèo, đến trường các con của chị được chính sách miễn giảm học phí nên cũng nhẹ đi đôi chút. Cùng với thời gian, 2 đứa con gái lớn chị lần lượt tốt nghiệp Trung cấp Họa viên kiến trúc và Trung cấp Kế toán - Tài chính và kiếm được việc làm ổn định. Riêng đứa con trai út Trương Hoàng Thắng đậu vào Đại học Bách khoa. “Ngày được tin con vào đại học, 2 vợ chồng mừng rơi nước mắt, nhưng cũng không ít lo âu vì không biết còn đủ sức để lo học phí cho con đến ngày ra trường không”, chị nói. May mắn, thằng út của chị tự mày mò học, ngay cả các ngôn ngữ tiếng Nhật, tiếng Anh cũng đều tự học. Sau giờ học, con trai chị còn xin giữ xe tại các trung tâm vui chơi để có thêm tiền mua sách vở. Cuối cùng, con trai út của chị cũng trở thành kỹ sư. Ra trường chẳng bao lâu được trúng tuyển vào làm tại một tập đoàn viễn thông lớn ở TPHCM.

Những tưởng gánh nặng bao năm giờ được đặt xuống khi các con đã có được công việc ổn định, nhưng khi ra trường đi làm được 1 năm, con trai út của chị bộc bạch suy nghĩ ấp ủ muốn được ra nước ngoài tiếp tục học lên. Cảm nhận khát vọng của con, không suy nghĩ nhiều, chị quyết định treo bảng bán căn nhà cấp 4 trong con hẻm này như một sự đánh cược cả tài sản bao đời của gia đình để có khoản tiền chắp cánh ước mơ cho con. Nhưng trong thời điểm suy thoái kinh tế, muốn bán cũng không phải dễ… Nhà chưa bán được thì con trai chị may mắn được trúng tuyển vào tốp 200 ứng viên của các nước được cấp visa miễn phí sang làm việc tại New Zealand. “Thằng nhỏ vừa báo về đã được nhận vào làm việc dài hạn tại một tập đoàn về lĩnh vực điện tử - viễn thông của nước này. Nó cho biết khi công việc ổn định sẽ tiếp tục học nâng cao lên”, chị chia sẻ niềm vui.

Chia tay người phụ nữ dung dị ấy, chúng tôi không chỉ cảm kích chị ở đức tính chịu thương chịu khó gần cả đời tất tả bươn chải gồng gánh gia đình, mà nể phục chị hơn về ý chí của một người mẹ đã nuôi dưỡng niềm tin để con cái được đổi đời bằng cái chữ.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục