Kiểm soát cúm gia cầm tại châu Á

Đối mặt với nhiều khó khăn

Đối mặt với nhiều khó khăn

Đối mặt với nhiều khó khăn ảnh 1

Kiểm tra phòng dịch cúm ở gà.

Sáng 23-2, Hội nghị quốc tế lần thứ hai về kiểm soát cúm gia cầm tại châu Á do Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) phối hợp tổ chức đã khai mạc tại TPHCM. Tới dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và đại diện các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong đợt bộc phát dịch cúm gia cầm đầu tiên (từ 27-12-2003 tới 30-3-2004), Việt Nam đã có tổng cộng 43,8 triệu con gia cầm (chiếm 16,8% tổng số đàn gia cầm cả nước) chết hoặc bị tiêu hủy.

Đợt bộc phát thứ hai từ cuối năm 2004 cho tới nay mặc dù xảy ra trên phạm vi hẹp hơn đợt trước (tại 35/64 tỉnh, thành của cả nước) nhưng cũng đã có 1,5 triệu gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy. Hơn thế nữa, cho tới nay, cúm gia cầm đã làm 44 người nhiễm virus H5N1, trong số đó đã có 32 người chết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát:

Sẽ tiêm vaccine phòng cúm cho gia cầm trước mùa đông

Trả lời phóng viên báo SGGP về tình hình dịch cúm gia cầm ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành tiêm chủng vaccine phòng cúm đối với một số đàn gia cầm tại một số khu vực trong nước. Các loại vaccine này nhập từ Hà Lan và Trung Quốc có tính an toàn cao.

Trong vài tuần nữa sẽ có kết quả. Các ngành chức năng nỗ lực đưa các loại vaccine này vào sử dụng chính thức cho các đàn gia cầm trước mùa đông năm nay.

Dựa trên những kinh nghiệm đã có từ đợt dịch trước, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế dịch như theo dõi chặt chẽ dấu hiệu dịch bệnh đối với thủy cầm, hạn chế nuôi thủy cầm. Ngưng ngay việc cho ra các đàn thủy cầm mới trong vòng 6 tháng; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ gia cầm. Nhiều địa phương đã áp dụng hệ thống giết mổ gia cầm hiện đại. Tại những nơi ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ được gầy dựng lại đàn gia cầm 60 ngày sau khi hết dịch với điều kiện vệ sinh được đảm bảo.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mặc dù dịch cúm gia cầm tại Việt Nam đang có chiều hướng giảm, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh như: tỷ lệ các hộ nuôi gia cầm đúng tiêu chuẩn còn thấp; điều kiện vệ sinh trong khâu giết mổ còn thấp; hạn chế kiến thức về cúm gia cầm; thiếu đội ngũ nhân viên vệ sinh chuồng trại chuyên nghiệp; thiếu thiết bị chẩn đoán, nghiên cứu và theo dõi bệnh tật; khả năng đảm bảo vệ sinh kém tại các khu vực địa phương; thiếu trang bị lao động cho những người tiếp xúc với gia cầm.

Chiều 23-2, các phái đoàn tham dự hội nghị đã tới thăm trang trại chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh của bà Nguyễn Thị Lạc, tại Hóc Môn với hơn 40.000 con gà và thăm dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại của Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ tại huyện Bình Chánh.

Hôm nay, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về những tiến bộ y khoa trong phòng chống cúm gia cầm, phân tích tác hại của dịch bệnh về mặt kinh tế và sức khỏe cộng đồng và tìm các biện pháp phục hồi đàn gia cầm

VŨ MINH

 

Tin cùng chuyên mục