Thông tin Bộ GD-ĐT sẽ ban hành bộ tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với các bậc học (tiểu học và trung học) đang được dư luận hết sức quan tâm. Nội dung đáng chú ý là bộ tài liệu này sẽ cho phép giáo viên không cần dạy hết nội dung trong sách giáo khoa (SGK).
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây thực chất là tài liệu giảm tải nội dung chương trình SGK – chương trình đang được đánh giá là quá nặng. Tất nhiên, khi được ban hành, bộ tài liệu này sẽ giúp cho giáo viên - học sinh (GV-HS) nắm vững trọng tâm nội dung dạy, học và dành nhiều thời gian hơn cho việc nâng cao kiến thức cần được chú trọng; định hướng rõ những nội dung cần thiết cho việc ôn tập và kiểm tra ở các kỳ thi.
Mặt khác, tài liệu này sẽ phần nào tạo nên tâm lý tự tin cho các GV trẻ khi vào nghề, mạnh dạn tập trung vào nội dung trọng tâm hơn là tâm lý “ôm đồm” sợ “lệch nội dung” khi chưa có kinh nghiệm thực tế giảng dạy. HS cũng sẽ yên tâm khi nội dung ôn tập trong các kỳ kiểm tra, thi tuyển sẽ được “tinh gọn” hơn.
Đây cũng là một động thái cần thiết khi sắp tới, sẽ xuất hiện một chương trình giảng dạy mới được xây dựng từ nhiều bộ SGK khác nhau. Khi đó, tài liệu hướng dẫn sẽ là “xương sống” trong việc giảng dạy, học tập chung cho cả nước, dù nơi này nơi khác có dùng các bộ SGK khác nhau.
Tuy nhiên, phần lớn GV hiện nay cũng còn không ít băn khoăn. Bởi, cách thức ra đề chung của Cục Khảo thí (Bộ GD-ĐT) đã khiến cho GV có tâm lý dè dặt vì sợ bỏ sót nội dung này, kiến thức kia, nếu không may đề thi chung rơi vào phần đã “lọc” thì trách nhiệm không nhỏ. Chính vì thế, dù có tài liệu giảm tải, nhưng không có tài liệu hướng dẫn, tập trung, định hướng nội dung ôn thi trong các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh cao đẳng, đại học… thì chắc chắn phần lớn GV sẽ không mạnh dạn thoát ly nội dung SGK.
Một vấn đề cũng cần được đặt ra: nếu như đã có tài liệu hướng dẫn và Bộ GD-ĐT “bật đèn xanh” cho GV thoát ly SGK nhưng khi Cục Khảo thí ra đề cũng “thoát ly” nội dung SGK thì sẽ như thế nào? Ngay trong đề thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử khối C năm nay đã có tình trạng đó.
Rõ ràng, đổi mới giáo dục không thể tiến hành theo kiểu “cắt khúc”. Không thể đổi mới hoạt động này mà hoạt động kia vẫn chưa thay đổi. Đổi mới cần một chiến lược tổng thể và đồng bộ. Có như thế, mọi giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học và thi cử mới đạt hiệu quả tốt nhất.
Hoàng Ngọc
(Đường 42, P.Bình Trưng Đông, Q.2, TPHCM)