Đổi mới để hội nhập

Báo SGGP ghi nhận ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân tình của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ về chất lượng thông tin tuyên truyền trên mặt báo.
NSƯT Mỹ Uyên
NSƯT Mỹ Uyên
Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Báo SGGP ra số đầu tiên (5-5-1975 - 5-5-2017), chúng tôi đã ghi nhận ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân tình của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ về chất lượng thông tin tuyên truyền trên mặt báo.

Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM:
Đẩy mạnh khâu phát hành

Gia đình tôi đã có đến vài chục năm gắn bó với tờ Báo SGGP. Riêng với tôi, tờ báo trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu nguồn cung cấp thông tin chính thống. 
Đổi mới để hội nhập ảnh 1
So với những năm trước, tờ báo đã có nhiều bước cải tiến mạnh mẽ, gây ấn tượng với độc giả qua cách nêu vấn đề sinh động, có nhiều chuyên mục phong phú, chuyên sâu hơn và đặc biệt là gần gũi với người trẻ hơn. Không ít lần tôi vào quán cà phê, nhìn thấy một số bạn rất trẻ cầm trên tay tờ Báo SGGP tôi cũng cảm thấy vui vui, vì điều này - theo tôi là một tín hiệu tốt và là bước chuyển rất đáng ghi nhận. Bên cạnh những bài viết có tính chuyên sâu chính trị, tôi cũng thấy trên Báo SGGP có nhiều bài viết dân sinh, gần gũi. Dù ở lĩnh vực nào, tờ báo cũng phản ánh trung thực, khách quan, luôn giữ sự chừng mực của một tờ báo đảng mà không quá khô khan. Đấy là phong cách nhiều năm qua tôi yêu thích. 
Tuy nhiên, Báo SGGP cần đẩy mạnh khâu phát hành để tờ báo phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tôi mong muốn tờ báo góp mặt rộng rãi trên các sạp báo truyền thống, đừng để độc giả có ý nghĩ rằng, Báo SGGP chỉ là báo của tổ chức đảng hay các cơ quan nhà nước.  
NSƯT Mỹ Uyên, quyền Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B:
Mong báo luôn tươi mới, hấp dẫn với độc giả

Theo dòng chảy của thời gian, các chuyên mục chính trị, thời sự xã hội trên Báo SGGP đã xây dựng được dấu ấn rất riêng với bạn đọc. Tuy nhiên, các trang trong của báo nên có thêm nhiều hình ảnh để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn độc giả hơn. Đặc biệt, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật càng cần nhiều hình ảnh đa dạng, sinh động. 

Thời gian qua, Báo SGGP luôn ủng hộ các hoạt động văn hóa nghệ thuật, điều này giúp giới văn nghệ sĩ cảm thấy được ủng hộ về tinh thần rất nhiều. Song, theo tôi, tờ báo nên có sự uyển chuyển hơn trong thông tin về văn hóa nghệ thuật đương đại, những bài viết có nội dung xoay quanh những vấn đề, sự việc mang tính giải trí thời đại. Báo SGGP cần thông tin đa chiều, đa dạng về những hoạt động văn hóa nghệ thuật để độc giả được tiếp cận, cập nhật những thay đổi, chuyển biến của đời sống văn hóa xã hội hiện nay. Hiện tại, tôi thấy mảng văn hóa, nghệ thuật, giải trí trên mặt báo còn ít, cần có thêm những bài viết quy mô, có chiều sâu về lĩnh vực này để động viên những người làm nghề. Văn hóa luôn đi đôi với sự phát triển về kinh tế, đối ngoại, xã hội… Thế nên, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật luôn cần sự quan tâm và thúc đẩy phát triển.

Kỷ niệm 42 năm ngày Báo SGGP ra số báo đầu tiên, tôi mong tờ báo sẽ có thêm những thay đổi tươi mới trong trình bày, phong phú hơn về nội dung và đa dạng về hình ảnh để giúp tờ báo đạt được cả về chất lượng, sức sống tươi mới, hấp dẫn với độc giả luôn ủng hộ Báo SGGP.
Diễn viên Mai Thu Huyền: Luôn tự làm mới mình
Tôi xin gửi lời chúc mừng Báo SGGP đã trải qua 42 năm hình thành và phát triển với lịch sử lâu đời, có sức sống, bền bỉ và uy tín.   
Đổi mới để hội nhập ảnh 2
Hiện nay, trong bối cảnh nhiều tờ báo giấy hoạt động khó khăn, sức ép cạnh tranh từ các báo điện tử và mạng xã hội, việc vẫn duy trì được lượng độc giả ổn định đã thể hiện được uy tín của Báo SGGP. Là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi dành nhiều sự quan tâm hơn đến mảng văn hóa văn nghệ trên mặt báo. Báo có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhận định chính xác, nghiêm túc và chỉn chu về các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật cũng như những vấn đề thời sự trong lĩnh vực này. Nó thể hiện sự hiểu biết và có tâm của những người cầm bút. Đây là điều rất đáng quý trong bối cảnh các thông tin giật gân, câu khách được một số tờ báo, trang tin điện tử tập trung khai thác. Điều đó cũng cho thấy bản sắc, chất lượng luôn được Báo SGGP gìn giữ, đề cao, là tờ báo uy tín với độc giả.

Theo thời cuộc, mọi lĩnh vực liên quan đến độc giả muốn tồn tại và phát triển luôn đòi hỏi sự thay đổi, cập nhật để tự làm mới mình. Một mặt Báo SGGP cần giữ được giá trị cốt lõi, tôn chỉ mục đích đã được xây dựng, gìn giữ suốt quá trình hoạt động, nhưng mặt khác, cần có những thay đổi mang tính uyển chuyển, tránh sự cứng nhắc để phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Có như vậy, mỗi ngày báo sẽ có thêm lượng độc giả mới, trẻ trung hơn.
Ngày tháng chưa xa


Cho đến nay và có lẽ suốt đời, tôi khó quên được nỗi sung sướng khi nhìn thấy bài thơ của mình lần đầu tiên được chọn in trên Báo SGGP. Lúc bấy giờ, đời sống sinh viên còn khó khăn nên khoản nhuận bút ấy, với tôi là món quà quý báu. Mà cũng từ bài thơ đó, giữa tôi và nhà thơ Lê Giang có một kỷ niệm êm đềm. Bài thơ lấy cụm từ Tìm ngọc ở quê mình của cô để làm tựa và được chọn in trên Báo SGGP chủ nhật số ra ngày 30-11-1986. Nhắm mắt, tôi vẫn còn nhớ vanh vách: Cầm chén cơm ăn bây giờ con thấm thía/ Những câu hò như máu chảy trong con/ Nuôi con lớn - quý như là hạt ngọc/ Dạy con làm người phải biết nghĩa biết ơn. 
Đổi mới để hội nhập ảnh 3
Khi ra trường, tôi mới cộng tác thường xuyên và thân thiết với các anh chị trong ban Văn hóa văn nghệ của Báo SGGP như: Vũ Ân Thy, Ngô Ngọc Ngũ Long, Nguyễn Nhật Ánh, Xuân Thái, Việt Hà, Bạch Tuyết, Hà Giang, Đào Tuấn Anh, Tường Vân…  

Tuy nhiên, qua “mắt xanh” của cố nhà báo Quốc Kế, bấy giờ anh đang “chủ xị” ban Tuần san, tôi mới trở thành người đứng chuyên mục Chuyện tình các danh nhân Việt Nam. Từ chuyên mục này, tôi đã viết hàng tuần, viết ròng rã trong nhiều năm liền, viết đến hơn 200 danh nhân. Sau này, từ các bài báo trên, nhiều NXB đã chọn in thành sách và tái bản nhiều lần. Nếu không là mối quan hệ thân thiết với anh chị trong Báo SGGP, chắc chắn tôi không thể cộng tác dài hơi đến thế. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những gương mặt đồng nghiệp như: Quốc Kế, Phạm Thục, Lê Dũng, Huy Thắng, Thu Nga, Mai Văn Thi, Phùng Thị Phượng… mà hầu như tuần nào tôi cũng gặp và trò chuyện tại Ban Tuần san, Báo SGGP. 

Có thời gian, tôi như người nhà của Báo SGGP. Đó là khoảng thời gian, qua trò chuyện với các đồng nghiệp, tôi đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm viết báo, thao tác về nghiệp vụ. Ông bà ta bảo: “Học thầy không tày học bạn”, làm sao tôi có thể quên lời dặn dò, hướng dẫn của các anh Trần Quang Thịnh, Hải Nam, Đĩnh Chi…; hoặc từ trao đổi với các bạn cùng lứa như Tường Lộc, Cao Vũ Huy Miên… lúc trà dư tửu hậu. 

Có lẽ thêm một điều khó quên của sự thân tình, hào hiệp từ Báo SGGP còn là các đồng nghiệp với Văn phòng đại diện Báo SGGP tại Hà Nội - như anh chị Tô Sản, Đỗ Thu Thủy, Vũ Song Toàn, Lê Hồng Thanh, Ngô Nguyễn Tâm Anh. Vợ chồng chị Đỗ Thu Thủy giúp đỡ chu đáo lúc tôi mới “chân ướt chân ráo” ra miền Bắc tác nghiệp hoặc du lịch. Bây giờ, mỗi lần ra thủ đô, trong trí nhớ vẫn còn nhớ đến từng ngóc ngách trong căn nhà ở phố Lê Văn Hưu là trụ sở văn phòng Báo SGGP tại Hà Nội, với nhiều kỷ niệm của tình đồng nghiệp.

Thời gian đã xa nhưng tình đồng nghiệp của anh chị Báo SGGP với tôi vẫn đang gần, gần lắm và tưởng chừng như vẫn còn nghe quanh đây những tiếng nói cười rổn rảng, thân thiện thuở nào. Dạy con làm người phải biết nghĩa biết ơn, câu thơ lần đầu tiên được in trên Báo SGGP, nay hiện về trong tôi như một sự nhắc nhở.
Nhà thơ LÊ MINH QUỐC

Tin cùng chuyên mục