Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ

Ngày 21-9, hội nghị trao đổi công tác giữa Ban Tổ chức Trung ương với các bộ, ban, ngành ở Trung ương đã kết thúc sau gần 2 ngày làm việc.

Các đại biểu đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; tìm tòi, đổi mới tư duy và cách làm, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ; xây dựng những chính sách về phát hiện, đào tạo, sử dụng, trọng dụng người có đức, có tài, tạo điều kiện cho cán bộ cống hiến. Công tác quy hoạch cán bộ cần phải đi trước một bước và có tầm nhìn xa, đảm bảo tính kế thừa, phát hiện những cán bộ trẻ đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, dựa trên cơ sở đánh giá đúng cán bộ. Các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, chuyên gia trong từng lĩnh vực.

Cùng với thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, các ban, bộ, ngành, đoàn thể cần chú ý hơn đến công tác quy hoạch những cán bộ là những nhà chuyên môn, chuyên gia giỏi; quan tâm xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Quy hoạch cán bộ phải gắn chặt chẽ với các khâu của công tác cán bộ như: đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ. Các đại biểu cho rằng cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, của từng ngành với các địa phương, nhằm tạo ra sự gắn kết, nâng cao tính khả thi trong quy hoạch cán bộ của cả hệ thống chính trị.

Khẳng định sự cần thiết phải thực hiện luân chuyển cán bộ, các đại biểu cho rằng đây là một khâu đột phá trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín. Luân chuyển phải dựa trên cơ sở quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất, tham mưu những quy định để tổ chức luân chuyển một cách thực sự, phải làm rõ mục đích luân chuyển, cách làm, quy trình luân chuyển gắn với định hướng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện luân chuyển, cơ chế phối hợp giữa nơi đi, nơi đến và cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ để có đánh giá, nhận xét kết quả công tác của cán bộ trong thời gian luân chuyển, để việc đánh giá chất lượng cán bộ luân chuyển thực chất hơn.

Các đại biểu đề xuất, cần tiếp tục phân cấp quản lý cán bộ mạnh hơn, đồng thời nghiên cứu cơ chế chịu trách nhiệm cao hơn nữa của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo trong việc thực hiện phân cấp quản lý cán bộ. Các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương nghiên cứu xây dựng những chính sách đột phá để thu hút, giữ chân cán bộ trẻ, tài năng và có cơ chế sử dụng người tài.

TTX

Tin cùng chuyên mục