Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy môn Lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Sáng 15-10, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lớp bồi dưỡng về giáo dục bộ môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông dành cho đối tượng là lãnh đạo Sở GD-ĐT, cán bộ Phòng GD-ĐT phụ trách chuyên môn môn Lịch sử, giáo viên cốt cán các trường thuộc 32 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện nay việc dạy học các môn nói chung và môn Lịch sử nói riêng vẫn nặng về truyền thụ kiến thức, ít quan tâm đến vận dụng kiến thức trong giải quyết vấn đề thực tiễn. Do đó, môn học này chưa tạo động lực thực sự từ bên trong để học sinh chủ động tìm đến và yêu thích môn học.
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy môn Lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông mới ảnh 1 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Khi chuyển sang dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giúp học sinh hình thành động lực học tập từ bên trong, chủ động tìm đến môn học, lĩnh hội được kiến thức, dùng kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Việc thay đổi trong hướng tiếp cận giáo dục, từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực là lý do để Bộ GD-ĐT tổ chức các đợt tập huấn kỹ càng cho giáo viên.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ hi vọng, qua đợt bồi dưỡng, các cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán đại diện cho các cơ sở giáo dục sẽ có nhận thức sâu sắc về chương trình giáo dục phổ thông, cũng như chương trình tổng thể môn học Lịch sử và việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, kiểm tra, qua đó từng bước nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, lan tỏa tình yêu môn học đến với học sinh.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, trước mắt giáo viên sẽ tận dụng những kiến thức đã tiếp cận, chủ động áp dụng vào việc dạy học chương trình hiện hành, làm bước đệm quan trọng khi chuyển sang chương trình mới.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy môn Lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông mới ảnh 2 Thông qua lớp tập huấn, các giáo viên cốt cán có cơ hội hiểu rõ hơn về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới

"Nếu nói việc dạy lịch sử chính là kể câu chuyện đã qua kết nối đến câu chuyện hiện tại, thầy cô sẽ kể lại câu chuyện ấy làm sao phải thật hấp dẫn cho học sinh. Vì vậy, vai trò của thầy cô trong dạy học bộ môn này là vô cùng quan trọng, làm sao để học sinh chủ động tìm đến môn học, lĩnh hội kiến thức, hiểu lịch sử, biết vận dụng bài học của lịch sử vào thực tiễn, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, thấy được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển đất nước...", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề nghị sau đợt tập huấn, các giáo viên cốt cán, chuyên viên bộ môn ở các đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ tài liệu, trở thành những báo cáo viên cho các đơn vị tại địa phương để lan tỏa nhận thức mới về chương trình môn học cũng như tầm quan trọng của bộ môn.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy môn Lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông mới ảnh 3 Cán bộ cấp Sở, Phòng GD-ĐT và giáo viên cốt cán 32 tỉnh, thành phía Nam tham dự lớp tập huấn
Chương trình bồi dưỡng sẽ được tổ chức trong 3 ngày từ 15 đến 17-10, chú trọng việc hướng dẫn phát triển nội dung dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng phát triển năng lực học sinh. Cùng với đó là giới thiệu tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng dẫn giáo viên thực hiện theo từng cấp học.
Trước đó, tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, môn Lịch sử tiếp tục “đội sổ” do có điểm trung bình thấp nhất trong các môn thi. Số liệu thống kê cho thấy có đến 70% học sinh bị điểm dưới trung bình môn Lịch sử. "Thực tế nhiều học sinh đang quay lưng với môn này bởi sách giáo khoa quá tải, nặng về sự kiện, cách dạy học không khuyến khích được niềm ham thích học tập", đại diện Bộ GD-ĐT nhìn nhận thực tế.

Trong đợt tập huấn, các nhà giáo sẽ được lắng nghe chia sẻ, trao đổi cùng các báo cáo viên là thành viên trong hội đồng biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới, chủ biên môn Lịch sử, giáo sư Lịch sử đầu ngành am hiểu chương trình mới.

Tin cùng chuyên mục