Đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển vùng Đông Nam bộ

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong vùng Đông Nam bộ.
Sáng 26-11, Bộ KH-ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 154 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM.
Phát huy sự năng động, sáng tạo của vùng
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết 154 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển vùng Đông Nam bộ ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Theo đó, chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam bộ xây dựng chương trình, kế hoạch hành động. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong vùng Đông Nam bộ.
Trong đó, phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng. Đồng thời, đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao.
Đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển vùng Đông Nam bộ ảnh 2 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Ảnh: CAO THĂNG
Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Cùng với đó, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Bên cạnh huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm…
Về mục tiêu, chương trình hành động xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội và môi trường, phấn đấu đạt đến năm 2030. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 380 triệu đồng/năm. Nghị quyết số 154 của Chính phủ cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Bên cạnh đó, chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam bộ để giúp vùng Đông Nam bộ phát triển bứt phá.
Tìm giải pháp khắc phục tác động ách tắc giao thông
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, vùng Đông Nam bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước.
Theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng dân số của vùng hiện nay là 18,719 triệu người (chưa tính số người tạm trú lâu dài), trong đó, dân số đô thị là hơn 12 triệu. So với các vùng kinh tế - xã hội khác trong cả nước, vùng Đông Nam bộ có quy mô dân số xấp xỉ Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải miền Trung, lớn hơn các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển vùng Đông Nam bộ ảnh 3 Lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và địa phương dự hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Đến nay, vùng Đông Nam bộ là khu vực kinh tế phát triển nhất của cả nước, đóng góp hơn 2/3 tổng thu ngân sách hàng năm. Trong đó, TPHCM là một trong 2 thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất cả nước và TP Biên Hòa là đô thị loại I có quy mô dân số lớn nhất trong 33 đô thị loại I.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, ngày 14-4-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 463 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch đặc biệt quan tâm đối với các định hướng phát triển hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng và cấp tỉnh.
Trong đó, quy hoạch hướng đến liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường Vành đai 3, Vành đai 4 của vùng TPHCM và các trục, hành lang kinh tế gắn kết TPHCM với Vũng Tàu; Bình Dương - Bình Phước; Đồng Nai; Tây Ninh - Mộc Bài. Hệ thống đô thị trong đô thị trung tâm và vệ tinh của vùng TPHCM; hệ thống đô thị thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.
Cùng với đó, cần thực hiện các giải pháp tổng thể phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục tác động ách tắc giao thông và rủi ro từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hạn chế úng ngập do triều cường, cần hạn chế bê tông cứng trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xây dựng đô thị tập trung nén tại các vùng có địa hình cao trên các trục hành lang kinh tế trọng điểm, các tuyến đường vành đai quan trọng và ở khu vực ngoại vi.
Ở góc nhìn hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, vùng Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước với vùng động lực TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ 5 phương thức vận tải, đóng vai trò kết nối quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (đang đầu tư xây dựng), hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và đóng góp khoảng 32% GDP của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chú trọng đến hệ thống đường bộ (cao tốc, quốc lộ) kết nối vùng với TPHCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cửa khẩu quốc tế, Cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
Đồng thời, với việc Bộ GTVT đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 trong 5 quy hoạch ngành quốc gia sẽ là cơ hội tốt để tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh trong vùng, góp phần hình thành một hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo tiền đề để duy trì vị thế là trung tâm động lực kinh tế của cả nước.
Vùng Đông Nam bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TPHCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TPHCM; cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng.
Trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ dự kiến khoảng 413.000 tỷ đồng; kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với nhiều tuyến đường bộ quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng Cái Mép - Thị Vải, như đường Vành đai 3 TPHCM (92km).
Cùng với đó là kết nối với các tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (52km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai), Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (54km), Bến Lức - Long Thành (58km), mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, qua đó nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong Vùng Đông Nam bộ lên 348km. Bên cạnh đó, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để kêu gọi, thu hút đầu tư và khởi công một số tuyến cao tốc như mở rộng TPHCM - Trung Lương, xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Dầu Giây - Tân Phú. Tổng nhu cầu vốn đầu tư để triển khai các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn này khoảng 167.746 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước, dự kiến bố trí 93.215 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 74.531 tỷ đồng.

Phát triển thương mại gắn với cảng biển


Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho rằng, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng có tính đột phá nhằm huy động sức mạnh tổng hợp để Đông Nam bộ phát triển năng động, sáng tạo đi đầu trong đổi mới và phát triển. Nghị quyết sẽ giúp Đông Nam bộ tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước. Trong số các chủ trương phát triển vùng, có chủ trương phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển khu vực Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với nhiều lợi thế, khu vực Cái Mép Hạ hội tụ các điều kiện để hình thành khu thương mại tự do thế hệ mới của vùng và việc hình thành khu thương mại tự do không phải là một cơ chế ưu đãi dành riêng cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà là cơ chế đặc thù cho cả vùng. 

Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới là động lực để Đông Nam bộ có thể đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển của cả nước. Tại khu vực khu thương mại tự do sẽ hình thành trung tâm sản xuất và dịch vụ logistics hiện đại đảm bảo tất cả các dịch vụ thương mại quốc tế. 

Đây là nền tảng để phát triển chuỗi cung ứng địa phương và mạng lưới các nhà cung cấp phụ trợ tạo điều kiện vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy nhanh quá trình phát triển khu vực Đông Nam bộ trở trung tâm kinh tế hàng hải của khu vực châu Á. Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do, trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung tổ chức lập quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và triển khai các dự án giao thông kết nối liên vùng.

Tin cùng chuyên mục