Đội ngũ cán bộ nữ ở phía Nam tăng cả số lượng lẫn chất lượng

Ngày 23-8 tại tỉnh Sóc Trăng, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Tỉnh ủy Sóc Trăng phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” khu vực phía Nam.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: Với việc chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn, đời sống mọi mặt của phụ nữ 19 tỉnh/thành khu vực phía Nam được cải thiện rõ rệt.

Đối với đội ngũ cán bộ nữ trong khu vực đã tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa; trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng được nâng lên. Cụ thể, tỷ lệ nữ phó bí thư tỉnh ủy cao nhất so với khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên; Tỷ lệ nữ cấp ủy, cấp huyện, cấp cơ sở tại TPHCM cao nhất cả nước và tiếp tục dẫn đầu khu vực về tỷ lệ nữ đại biểu HĐND ở cả 3 cấp; Bình Phước cao thứ 2 cả nước về tỷ lệ nữ cấp ủy tỉnh; Bạc Liêu cao nhất khu vực khi có tới một nửa số đại biểu Quốc hội là nữ; Sóc Trăng có tỷ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số cao nhất (đạt 33,3%)…

Phụ nữ tại Sóc Trăng tham gia hợp tác xã đan đát đồ thủ công mỹ nghệ

Phụ nữ tại Sóc Trăng tham gia hợp tác xã đan đát đồ thủ công mỹ nghệ

Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, phụ nữ khu vực phía Nam cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Vùng Đông Nam bộ, phụ nữ, trẻ em đang phải đối mặt với những tác động xấu từ hệ luỵ tốc độ đô thị hóa nhanh, nhập cư nhiều, dân số đông, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch mức sống lớn, ô nhiễm môi trường… Các tỉnh Tây Nam bộ có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn so với nam giới, ít được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, tỷ lệ nghèo cao, thu nhập không ổn định, tỷ lệ trẻ em bỏ học sớm cao, tỷ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài cao…

Ngoài ra, trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu, các tỉnh miền Nam tiếp tục phải đối mặt với sự suy kiệt về nguồn nước, nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra thường xuyên... ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của phụ nữ.

Hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận với chủ đề về công tác phụ nữ và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ. Các đại biểu đã có nhiều tham luận nhằm phân tích những vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phụ nữ; thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù ở địa phương; việc thực hiện các chỉ tiêu về cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số… Từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp mạnh mẽ, có tính đột phá để tổ chức thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục