Đổi thay ở một xã anh hùng

Truyền thống cách mạng
Đổi thay ở một xã anh hùng

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) là một vùng căn cứ cách mạng đồng thời là cửa ngõ quan trọng ở phía Tây để mở đường cho đại quân ta từ các tỉnh Tây Nam bộ thần tốc tấn công giải phóng Sài Gòn. 40 năm thấm thoát trôi qua, giờ đây ký ức về một thời chiến đấu hào hùng vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim người lính…

Đường nông thôn mới ở xã Tân Nhựt

Truyền thống cách mạng

Ông Dương Lạc Rạch là người con của quê hương Tân Nhựt, nguyên Phó trưởng Công an huyện Bình Chánh, năm nay đã 76 tuổi đời, 52 tuổi Đảng, nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Trưởng Công an khu Nam Bình Chánh, lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đồng loạt tổng tấn công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn.

Nhớ lại khí thế cách mạng sôi sục ngày ấy, ông thấy mình như trẻ lại: “Mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi được phân công phụ trách địa bàn 4 xã của huyện Bình Chánh. Lúc bấy giờ tại cửa ngõ này, Sư đoàn bộ binh 22 và Liên đoàn Biệt động quân của địch từ các tỉnh miền Tây co cụm về rất đông nhằm dồn sức ngăn chặn bước tiến của quân ta. Thế nhưng, trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, cộng với sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân và lực lượng vũ trang tại chỗ, kẻ địch buộc phải thua chạy. Lúc đó, quần áo trang phục và vũ khí của lính ngụy vứt đầy đường, quân ta thu được trên 5.000 khẩu súng các loại cùng nhiều phương tiện khác của địch, đồng thời nhanh chóng cắm cờ giải phóng trên nóc các trụ sở để báo tin quân ta đã toàn thắng…”.

Chiến thắng đến đẹp như mơ khiến những người lính như ông cứ lâng lâng mãi. Sau giải phóng, ông Rạch được phân công làm Phó trưởng Công an huyện Bình Chánh. Những ngày đầu tiếp quản, tình hình trật tự vô cùng rối ren, phức tạp, đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên phải dấn thân hết mình. Ông phải quản lý hàng chục ngàn binh lính ngụy đến đăng ký, trình diện rồi mở các lớp tuyên truyền giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và tổ chức Mặt trận để họ nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới. Ngoài ra, cán bộ còn phải chăm lo đời sống cho dân và trấn áp các loại tội phạm để giữ gìn ổn định trật tự trị an tại từng xóm ấp…

Đổi mới từng ngày

Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bình Chánh, cách đây 40 năm, xã Tân Nhựt nghèo, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Giờ đây, vùng đất anh hùng đã khoác lên mình chiếc áo mới tươi sáng hơn với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, đời sống người dân được nâng lên từng bước, trẻ em được học hành tiến bộ, số hộ nghèo giảm hẳn. Đồng chí Trần Thanh Huy, Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, báo tin vui: “Xã Tân Nhựt vừa được thành phố công nhận là xã nông thôn mới vì đã hoàn thành 19 tiêu chí đề ra”. Thành tựu đó có được là nhờ tinh thần chung sức xây dựng nông thôn mới được phát huy cao độ, huy động nguồn lực mạnh mẽ với tổng kinh phí gần 626 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 300 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn vận động người dân hiến 88ha đất trị giá hơn 73 tỷ đồng để thực hiện 23 dự án và xây dựng 67 công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống dân sinh. Vừa qua, Tân Nhựt được chọn là xã điểm của thành phố và huyện tổ chức Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 theo phương thức bầu trực tiếp Bí thư Đảng ủy. Sau Đại hội Đảng bộ xã, Tân Nhựt đã xuất hiện một dàn cán bộ trẻ giỏi biết nắm bắt thời cơ cũng như tìm giải pháp để vượt qua những khó khăn thách thức ở phía trước.

Để Tân Nhựt tiếp tục phát triển, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Nhựt đã và đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia; đẩy nhanh tiến độ các dự án; tiếp tục thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững; vận động nhân dân tham gia chống tham nhũng tiêu cực, đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội, tích cực xây dựng Đảng, chính quyền thật sự trong sạch vững mạnh… Nhận xét về quá trình đổi thay của Tân Nhựt sau 40 năm, người cựu chiến binh già Dương Lạc Rạch thừa nhận là xã đã thay da đổi thịt đáng mừng nhưng ông cũng có những đóng góp tâm huyết: “Trong hai cuộc kháng chiến, nếu không có sự che chở của người dân, cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn. Nay hòa bình rồi, chỉ mong đội ngũ cán bộ trẻ cần có tâm có tầm, biết phát huy dân chủ, đoàn kết, chăm lo đời sống cho dân, không gây phiền hà dân, có như thế mới thực hiện tốt lời Bác Hồ đã dạy và xứng đáng là một xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng”.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục