Đối thoại ba bên Ấn Độ - Nhật Bản - Australia: Phản đối đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông

The Hindu ngày 9-6 đưa tin, trong cuộc thảo luận về an ninh khu vực tại Đối thoại ba bên Ấn Độ - Nhật Bản - Australia lần đầu tiên diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ, quan chức các nước khẳng định việc Trung Quốc bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo tại khu vực biển Đông đang gây căng thẳng cho khu vực.
Đối thoại ba bên Ấn Độ - Nhật Bản - Australia: Phản đối đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông

The Hindu ngày 9-6 đưa tin, trong cuộc thảo luận về an ninh khu vực tại Đối thoại ba bên Ấn Độ - Nhật Bản - Australia lần đầu tiên diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ, quan chức các nước khẳng định việc Trung Quốc bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo tại khu vực biển Đông đang gây căng thẳng cho khu vực.

Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Malaysia

Tại cuộc đối thoại trên, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại và thương mại Australia, ông Peter Varghes, cho biết, tốc độ và quy mô bồi lấn của Trung Quốc ở biển Đông đang gây quan ngại trong khu vực. Đây là vấn đề mà ba nước tham gia đối thoại và các nước thành viên ASEAN đã công khai bày tỏ sự phản đối.

Ông Varghes nhấn mạnh rằng Đối thoại ba bên Ấn Độ - Nhật Bản - Australia không nhằm chống lại Trung Quốc và không nhằm vào bất cứ nước nào. Ba nước tham gia đối thoại hy vọng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) sẽ được Trung Quốc và các nước ASEAN sớm thông qua để giảm căng thẳng trong khu vực.

Hiện nay, dư luận quốc tế đang chú ý về chuyến thăm Mỹ của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long để thảo luận về biển Đông với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc cũng tháp tùng ông Phạm Trường Long trong chuyến đi Washington này. Ông Tôn là người dẫn đầu đoàn Trung Quốc đến dự Đối thoại Shangri-La để “biện minh” cho hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở các bãi cạn, bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam vừa qua.

Máy bay P-3C của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tuần tra tại biển Hoa Đông.

Trong diễn biến khác, theo News Strait Times, Bộ trưởng An ninh quốc gia Malaysia, ông Shahidan Kassim cho biết, chính quyền Malaysia chính thức phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc thâm nhập vào lãnh hải nước này ở vùng biển phía Bắc đảo Borneo.

Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak sẽ trực tiếp nêu vụ xâm nhập của tàu hải cảnh Trung Quốc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là một vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền. Khu vực này chỉ cách đảo lớn Borneo của Malaysia khoảng 150km về phía Bắc, trong khi cách lục địa Trung Quốc tới 2.000km. Phản ứng trước những cáo buộc của Malaysia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng không hay biết tuyên bố của Malaysia về tàu của Trung Quốc xuất hiện tại bãi Luconia.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản (MSDF) xác nhận, một chiếc tàu Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động khảo sát bên trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, ngoài khơi quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Con tàu này kéo theo một vật dường như là dây cáp. Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã yêu cầu con tàu phải dừng hoạt động này.

Nhật Bản - Philippines tập trận ở biển Đông

Theo NHK, trong bối cảnh mối lo ngại về các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc đang gia tăng, phía Nhật Bản tuyên bố Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản tiến hành cuộc tập trận đầu tiên với Hải quân Philippines tại biển Đông trong hai ngày 23 đến 24-6, nhưng cuộc diễn tập sẽ không có hoạt động trinh sát. Nhật sẽ cử một máy bay P-3C, còn Hải quân Philippines sẽ điều động tàu và máy bay hải quân tham gia cuộc tập trận chung.

Trong động thái nhằm thúc đẩy việc vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền dựa trên đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc, Philippines tuyên bố sẽ đệ trình lên Tòa án trọng tài LHQ về Luật Biển một bản đồ cổ 300 năm tuổi chứng minh chủ quyền ở khu vực bãi cạn Scarborough. Bản đồ cho thấy bãi cạn Scarborough, khi đó được biết tới với tên gọi Panacot hay Panatag, nằm ngoài khơi đảo Luzon. Philippines khẳng định tấm bản đồ cổ chứng tỏ đường 9 đoạn mà Trung Quốc dùng làm bằng chứng để đòi chủ quyền đối với hầu hết biển Đông là phi lý. Bãi cạn Scarborough là tâm điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc. Bắc Kinh gọi bãi cạn này là Hoàng Nham.

Linh mục dòng Tên Pedro Murillo Velarde đã cho in tấm bản đồ này tại Manila vào năm 1734. Nó được đem bán đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby’s ở London vào năm 2014 và được doanh nhân Philippines Mel Velarde mua lại với giá 266.000USD.

Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia, ông Othman Hashimn cho biết, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) vừa kết thúc ở Kuching đã đề xuất bàn thảo về COC tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48), dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới tại Kuala Lumpur.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục