Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi

Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi

Đến nay, TPHCM đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 2 rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả bước đầu cho thấy, có 1.548/2.483 TTHC (đạt 62,34%) được kiến nghị đơn giản hóa. Trong đó có 578 TTHC (đạt 23,7%) được kiến nghị hủy bỏ vì không còn phù hợp với thực tế và gây phiền hà cho dân. Theo ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 30 TPHCM, kết quả trên có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện quyết tâm của các cấp chính quyền TP trong tiến trình cải cách TTHC. PV Báo SGGP đã có buổi trao đổi với ông Võ Văn Luận về vấn đề này.

Làm giấy tờ nhà đất tại quận Gò Vấp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Làm giấy tờ nhà đất tại quận Gò Vấp. Ảnh: VIỆT DŨNG

- PV: Sau khi rà soát, TTHC ở lĩnh vực nào được kiến nghị đơn giản hóa nhiều nhất, thưa ông?

Ông VÕ VĂN LUẬN: Kết quả rà soát cho thấy, có 976/1.669 TTHC (đạt 58,48%) ở cấp sở ngành được kiến nghị đơn giản hóa. Trong đó TTHC tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Cảnh sát PCCC, Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Ban Quản lý Khu chế xuất và các khu công nghiệp có tỷ lệ kiến nghị đơn giản hóa khá cao với hơn 70% trở lên. Nhiều TTHC thuộc lĩnh vực xây dựng, cấp phép kinh doanh, thành lập doanh nghiệp (DN)… cũng được kiến nghị đơn giản hóa theo hướng sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Những kiến nghị lần này nếu được chấp thuận, ước tính sẽ tiết kiệm được cho người dân và cộng đồng DN một số tiền rất lớn do không phải đi lại, chờ đợi lâu hoặc tốn kém chi phí khi đeo đuổi thực hiện những TTHC rườm rà, không cần thiết.

- Trong quá trình rà soát, đơn giản hóa TTHC, mức độ tham gia của người dân và DN đến đâu và có sát với thực tế?

Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta mời người dân và DN tham gia vào quá trình rà soát, đơn giản hóa TTHC thông qua các hình thức như: Góp ý trực tiếp qua việc điền vào biểu mẫu số 3 được đăng tải trên mạng; gửi thư, tham gia viết bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng… Ngoài ra, nhiều sở ngành, quận huyện còn chủ động tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để mời gọi sự đóng góp của người dân và DN vào giai đoạn rà soát, đơn giản hóa TTHC. Chính vì vậy, theo tôi, những TTHC được kiến nghị đơn giản hóa lần này là sát với thực tế.

- Đó là nhận định từ cơ quan chức năng, còn người dân vẫn “kêu” có nơi làm còn hình thức hoặc chỉ kiến nghị đơn giản hóa những TTHC có lợi cho ngành, đơn vị mình?

Đánh giá tình hình chung, chúng tôi nhận định, phần lớn cơ quan, đơn vị đã nhận thức được mục đích và ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt rà soát, thể hiện quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định TTHC hiện hành.

Việc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC với khối lượng rất lớn, đòi hỏi cán bộ, công chức thực hiện phải am hiểu pháp luật, có bản lĩnh và quyết tâm cải cách TTHC của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nhiều đơn vị có kế hoạch chi tiết, cụ thể, có phương pháp, cách làm hay khi triển khai giai đoạn rà soát TTHC nên kết quả đạt khá cao. Cụ thể như, kết quả rà soát TTHC ưu tiên của 16 sở ngành, quận huyện và phường xã đều đạt chỉ tiêu đề ra từ 90% trở lên. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm ở giai đoạn rà soát nên chất lượng chưa cao; nhiều nơi còn làm qua loa, chiếu lệ, chưa đạt yêu cầu nên phải làm lại.

- Bước tiếp theo của giai đoạn rà soát, đơn giản hóa TTHC có ý nghĩa như thế nào?

Tới đây, sau khi hoàn chỉnh giai đoạn rà soát, kiến nghị đơn giản hóa các quy định TTHC hiện hành, chúng tôi sẽ báo cáo về Tổ công tác chuyên trách Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ (trước 31-3-2010). Nơi đây sẽ phối hợp với các chuyên gia, luật sư, các bộ ngành tổng hợp, phân tích, đánh giá rồi trình Chính phủ xem xét, quyết định. Đây là công việc có ý nghĩa quyết định đến giai đoạn 2 là rà soát, đơn giản hóa TTHC. Thành công hay thất bại của đề án phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn này vì mục tiêu đặt ra cho tiến trình cải cách TTHC năm 2007-2010 là phải đơn giản hóa tối thiểu được 30% TTHC.

- Người dân kỳ vọng gì ở kết quả của quá trình đơn giản hóa TTHC mang lại?

Thời gian tới, Tổ Công tác Đề án 30 sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng thực thi ngay các phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của UBND các cấp đã được UBND TPHCM thông qua. Như vậy, sẽ có nhiều TTHC thuộc phạm vi TPHCM ban hành được kiến nghị đơn giản hóa, sẽ có hiệu lực ngay trong thời gian tới. Chúng tôi được biết, nhiều nơi đã chủ động cắt giảm nhiều TTHC không cần thiết thuộc phạm vi của mình, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân và DN thực hiện các TTHC theo yêu cầu. Như vậy, không phải đợi đến hết năm 2010 theo tiến trình của Đề án 30 đặt ra mà ngay từ bây giờ, người dân và DN đã được hưởng lợi từ quá trình cải cách TTHC.

- Xin cảm ơn ông.

* TTHC tại cấp quận huyện đề nghị giữ nguyên: 196/638 (30,72%); đề nghị đơn giản hóa 442/638 (69,28%) .

* TTHC cấp phường xã đề nghị đơn giản hóa: 46/172 (26,14%); đề nghị bãi bỏ: 130/176 (73,86%).

* TTHC tại các sở, ban ngành đề nghị giữ nguyên: 693/1.669 (chiếm 41,52%)

Nguồn: Tổ công tác Đề án 30 TPHCM

Hoài Nam (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục