Cầm trên tay tập hồ sơ và đơn khiếu nại việc UBND quận 2 TPHCM chậm thực hiện quyết định cưỡng chế trả lại đất cho mình, ông Nguyễn Xuân Thạch, ngụ phường 5 quận 3 - một mực yêu cầu bộ phận tiếp dân của Thanh tra TPHCM phải nhận đơn, vì như ông nói: “Chỉ có Thanh tra TP mới giải quyết được vụ việc này…”.
Theo trình bày của ông Thạch, vụ khiếu nại của ông đã được UBND TPHCM giải quyết qua quyết định ngày 4-7-1996 trả lại 600m2 đất tại phường Thảo Điền cho gia đình ông. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, quyết định trên đã không được UBND huyện Thủ Đức (cũ) và sau này là UBND quận 2 giải quyết. Trong thời gian trên, một cán bộ của phường Thảo Điền còn “tự nhiên nhảy vào” khu đất trên để xây nhà ở.
Sau nhiều lần đi khiếu nại, cách nay hơn 1 năm, UBND quận 2 ra quyết định cưỡng chế thu hồi phần đất trên để trả cho gia đình ông. Cũng như lần trước, quyết định trên một lần nữa đã không được thi hành và ông Thạch tiếp tục “vác” đơn khiếu nại đi khắp nơi. Đơn của ông Thạch được gửi đến các cơ quan: Văn phòng tiếp công dân TP, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ…
Trường hợp của ông Giáo Sinh đi khiếu nại đòi lại căn nhà số 309 đường Hai Bà Trưng quận 3 cũng kéo dài hàng chục năm nay, mặc dù đơn của ông đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết. Không đồng tình với các quyết định trên, ông Sinh gửi đơn khiếu nại đi khắp nơi, từ các cơ quan của TP, các báo đài, đến tận Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… Số lần gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan trên được ông thống kê lên đến 209 lần.
Đó là hai trong số rất nhiều trường hợp mà chúng tôi biết được khi tiếp xúc với các hộ dân đi khiếu nại. Phần lớn các trường hợp đi khiếu nại đều gửi đơn đến các cơ quan không thuộc thẩm quyền giải quyết. Chính vì vậy mới có chuyện đơn khiếu nại của người dân đã bị “kính chuyển” đi lòng vòng hết cơ quan này đến cơ quan khác.
Thấy đơn khiếu nại không được giải quyết, nhiều trường hợp chuyển sang đơn tố cáo với mong muốn “đánh động” được các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là nhiều người dân không nắm vững luật với những quy định rất rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan trong việc xem xét đơn khiếu nại và đơn tố cáo của công dân.
Theo Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi, ban hành năm 2005, người khiếu nại lần đầu phải khiếu nại với người đã ra quyết định hành chính, hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 30).
Như vậy, đơn khiếu nại phải được gửi đến đúng cơ quan hành chính, hoặc cán bộ, công chức của cơ quan hành chính đã ra quyết định hành chính làm phương hại đến lợi ích của công dân. Luật còn quy định, trong vòng 30 ngày (khiếu nại lần đầu) và 45 ngày (khiếu nại lần hai), cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết khiếu nại của công dân. Quá thời hạn trên, công dân có quyền khởi kiện cơ quan hành chính, cán bộ, công chức có hành vi hành chính ra tòa để đòi hỏi quyền lợi của mình.
Minh Đức