Dồn sức chấn chỉnh trật tự lề đường

Trong thời điểm cận tết, chính quyền các quận, phường ở TPHCM đang dồn sức chấn chỉnh trật tự lề đường để đường phố khang trang, thông thoáng.
Dồn sức chấn chỉnh trật tự lề đường

Trong thời điểm cận tết, chính quyền các quận, phường ở TPHCM đang dồn sức chấn chỉnh trật tự lề đường để đường phố khang trang, thông thoáng.

Bề bộn hàng rong

Trong những ngày gần đây, việc đi bộ trên vỉa hè nhiều con đường ở TPHCM trở nên khó khăn hơn do xe đẩy tay, hàng rong và các sạp quần áo, giày dép bán dạo… tràn lan, tranh thủ cuộc mưu sinh cuối năm. Các cửa hàng, quán xá mặt tiền cũng chen ra lấn chiếm vỉa hè để bày hàng, bày bàn ghế, đậu xe máy. Con đường Trần Quang Khải (quận 1) dài chưa đầy 1 cây số nhưng gần 95% các căn hộ mặt tiền đều mở cửa hàng, cửa hiệu buôn bán đồng hồ, điện thoại, bách hóa, sửa xe, kinh doanh ăn uống…, nhiều nhất là hành nghề dán keo xe gắn máy. Anh Hải (quê Sóc Trăng, cùng vợ lên TPHCM làm thuê tại một cửa hiệu dán keo xe máy ở góc Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải) kể về công việc của mình: “Gần tết nên nhiều người có nhu cầu dán keo xe để ăn tết. Đang mùa làm ăn, nên nhiều tiệm dán keo xe chiếm hết cả vỉa hè. Chiếm vỉa hè thì cũng sợ bị phạt. Hên xui, hễ mấy ổng đến thì mình dọn, dọn không kịp thì đành chịu phạt”. Các tiệm cà phê hay tiệm dán keo xe cạnh đó cũng đều chiếm gần trọn vỉa hè, vượt qua khỏi lằn sơn trắng cho phép, khiến những người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Chiều về, dưới lòng đường Phan Đình Phùng (phường 2, quận Phú Nhuận) cũng trở thành nơi buôn bán của nhiều người bán rong rau quả bằng xe đẩy tay. Anh Phùng (quê ở Phú Thọ, bán chanh) cho biết: “Tôi vào TPHCM kiếm sống được 3 năm, mướn nhà ở quận 12, sáng sáng đạp xe lên chợ đầu mối mua chanh rồi chiều đem ra đây bán. Bán thế này cũng phập phồng lắm, vừa bán vừa chạy, phải canh mấy ông trật tự, không khéo là bị hốt. Ráng chút những ngày này để kiếm ít tiền gửi về quê cho các cháu. Những người bán rong ở đây toàn dân nhập cư cả, chúng em buôn bán vất vả lắm, càng gần tết càng phải cày”.

Chợ lề đường trên đường Hoàng Hoa Thám (giữa phường 5 và phường 6 quận Bình Thạnh) những ngày gần đây cũng có nhiều xe ba gác bán hàng rong tràn lan. Anh Dũng (nhà ở huyện Hóc Môn, bán bắp chạy ở đây) kể: “Tôi để sọt bắp trên tấm gỗ có gắn bánh xe, hễ đội trật tự xuất hiện từ đầu đường là tôi kéo ngay sọt bắp lên lề. Cả năm chỉ có dịp này là buôn bán được, nên ráng kiếm chút đỉnh cho nhà có chút tết với người ta”. 

Xe đẩy tay tràn xuống lòng đường Phan Đình Phùng. quận Phú Nhuận

Nhắc nhở hay phạt vạ?

Trả lời về việc nhiều tiệm chiếm dụng vỉa hè ở đường Trần Quang Khải, ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Định (quận 1), cho biết: “Vỉa hè đường Trần Quang Khải đã được kẻ vạch, đã quy định đậu xe hay kinh doanh ra ngoài vạch là vi phạm. Chúng tôi vừa lập biên bản các tiệm cà phê hay dán keo xe lấn chiếm lề đường, không có chuyện vì quen biết mà du di”. Ông Nghĩa đưa ra những tờ biên bản mới vừa được lập và giãi bày: “Trong năm 2015, đã có 211 trường hợp vi phạm bị xử phạt và 124 trường hợp nhắc nhở. Chiều nào tầm từ 16 giờ là tôi trực suốt tại trụ sở phường chỉ để giải quyết xử lý các trường hợp kinh doanh vi phạm lòng lề đường. Trường hợp mới vi phạm lần đầu thì chỉ nhắc nhở, còn vi phạm nhiều lần thì kiên quyết xử phạt, nhưng phương châm của chúng tôi là cố gắng nhắc nhở, thuyết phục bà con. Ngày mai, phường sẽ ra quân triển khai kế hoạch cao điểm lập lại trật tự lòng lề đường trên đường Trần Quang Khải đối với các hộ hành nghề dán keo xe; kiểm tra và xử lý việc gây mất trật tự của các hộ kinh doanh ăn uống trên tuyến đường Hoàng Sa”.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, khẳng định: “Việc kiểm tra, xử lý vi phạm lòng lề đường là công việc thường xuyên, tuy nhiên, người vi phạm đa số là bà con lao động nghèo, nên phải vừa xử lý vừa nhắc nhở. Mới đây, quận đã có chỉ đạo cho 14 phường tăng cường công tác chấn chỉnh lòng lề đường trước và sau tết, đặc biệt giao trách nhiệm công an 14 phường tham gia hỗ trợ điều hòa giao thông tại những khu vực trọng điểm như ga Sài Gòn, trước cổng bệnh viện, trường học, các tuyến đường giáp ranh như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ... Nói về việc xử lý hay nhắc nhở, anh em trật tự đô thị ở phường 1 quận Phú Nhuận cũng tâm sự: “Nếu phạt thẳng thắn thì tụi em phải lập biên bản tịch thu xe, nhưng đa số là dân nghèo nên chỉ chuyển cho bên công an xử phạt hành chính”.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục