Đồng bào dân tộc miền núi thiếu đất sản xuất

(SGGP).- Ngày 25-4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2005 - 2012.

(SGGP).- Ngày 25-4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2005 - 2012.

Theo số liệu được cung cấp tại phiên họp, từ mức nghèo rất cao (58% năm 1993), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đến năm 2012 còn 9,6% và năm 2013 còn 7,6%. Với hàng chục triệu người thoát nghèo trong vòng 20 năm qua, Việt Nam được đánh giá đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2012, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu. Về quy mô, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% dân số cả nước, nhưng lại chiếm tới 47% tổng số người nghèo cả nước (tính đến năm 2010).

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tình trạng giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do điều kiện kinh tế - xã hội khu vực miền núi có xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí còn hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo, trình độ sản xuất của đồng bào người dân tộc còn đơn giản, lạc hậu… Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất được nhiều đại biểu tham dự hội nghị coi là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đói nghèo dai dẳng.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, giai đoạn 2005 - 2012 cả nước có trên 650.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tổng cộng đã có trên 231.000 hộ được hỗ trợ; mới chỉ đạt 41,5% tổng nhu cầu hỗ trợ của cả giai đoạn với tổng kinh phí đã bố trí trên 2.341 tỷ đồng; đạt 38,4% nhu cầu.

Thừa nhận tình trạng thiếu đất sản xuất là tình trạng chung trên cả nước, chứ không chỉ riêng khu vực đồng bào dân tộc, song Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho rằng, đối với khu vực đồng bào dân tộc miền núi, tình trạng thiếu đất sản xuất là “cực kỳ nóng bỏng”. Hiện nay các tỉnh Tây Bắc “gần như đã hết đất”; các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ việc bố trí đất chưa hợp lý. Để giải quyết tình trạng này, theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, Quốc hội cần có nghị quyết, chủ trương về việc sắp xếp lại quỹ đất, phân bố dân cư trong cả nước.

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, thực hiện Quyết định 146/2005 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã thu hồi tổng cộng 890.000ha của các nông, lâm trường để giao cho người dân. Chủ trương giao khoán đất rừng cho đồng bào sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ NN-PTNT thông qua công tác khuyến nông “sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ đồng bào sản xuất hiệu quả hơn trên diện tích hiện có, tiến tới sản xuất hàng hóa, liên kết với miền xuôi để hình thành chuỗi cung ứng - tiêu thụ”. Ông cũng cam kết sẽ kiến nghị Chính phủ có các giải pháp đồng bộ về phát triển giao thông, thông tin liên lạc, dạy nghề thích hợp; đồng thời điều chỉnh chính sách thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh tại những khu vực vùng sâu, vùng xa…

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục