Đồng chí Nguyễn Văn Nên: Huyện Củ Chi và quận 7 là hai mũi đột phá để thí điểm kịch bản “bình thường mới” cho TPHCM

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, những kết quả của huyện Củ Chi đạt được sẽ là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, thay đổi chiến lược phòng chống dịch của TPHCM trong thời gian tới. Đồng chí gợi mở chọn huyện Củ Chi và quận 7 làm hai mũi đột phá để thí điểm cho việc chuẩn bị kịch bản “bình thường mới” cho TPHCM sau ngày 15-9.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi làm việc với huyện Củ Chi về phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi làm việc với huyện Củ Chi về phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chiều 4-9, đoàn công tác của TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Củ Chi để đánh giá về những kết quả nổi bật từ ngày 15-8 đến nay và các giải pháp trọng tâm trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Qua 15 ngày nỗ lực chiến đấu và đạt kết quả nhất định, huyện Củ Chi là huyện đầu tiên có thông tin sớm nhất về Thành ủy TPHCM, báo cáo huyện đã đạt một số chỉ tiêu quan trọng, cơ bản làm nền tảng kiểm soát được dịch bệnh theo yêu cầu đề ra.

Nhiều sáng kiến, sáng tạo trong phòng chống Covid-19

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, ngay khi nhận được tin huyện Củ Chi kiểm soát được dịch Covid-19, lãnh đạo TPHCM cùng chung vui trước thông tin này. Huyện Củ Chi là địa phương đầu tiên của TPHCM đạt được một số tiêu chí, chỉ tiêu cơ bản trong lộ trình thực hiện mục tiêu phấn đấu kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15-9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Những kết quả mà huyện Củ Chi đạt được đã được chứng minh bằng số liệu rất cụ thể.

Thay mặt Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên ghi nhận và đánh giá rất cao Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi, cùng các lực lượng chi viện hỗ trợ và các tổ chức cá nhân đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để làm nên kết quả quan trọng này, góp phần cùng TPHCM thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong phòng chống dịch.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, có thể nói rằng ở 3 đợt dịch lần trước, huyện Củ Chi không có dịch. Đến đợt bùng phát dịch lần thứ 4, dịch đã lây lan trên địa bàn huyện. Điều này nói lên rằng huyện Củ Chi chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 nhưng huyện đã hết sức bình tĩnh, chủ động triển khai các biện pháp, thực hiện Chỉ thị 16 nghiêm ngặt, quyết liệt và có hiệu quả.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, điểm quan trọng mà huyện Củ Chi làm được là nhờ công tác truyền thông, tuyên truyền vận động người dân phát huy cao nhất tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, mỗi thôn xóm, làng xã là một pháo đài. Từ tinh thần này lan tỏa ra phong trào mạnh và tất cả cùng đứng về một phía để chống dịch.

Bên cạnh đó, huyện Củ Chi thực hiện các biện pháp y tế có hiệu quả. Trong đó, khi phát hiện dấu hiệu có F0, huyện đã nhanh chóng khoanh vùng, truy vết và xử lý. Đặc biệt là trong gần 6.000 F0 của huyện nhưng không có trường hợp quá nặng, không có tử vong. Kết quả này nhờ các khâu phát hiện, quản lý điều trị ngay từ đầu một cách khá bài bản và trách nhiệm, ngăn chặn được bệnh nặng và không để tử vong xảy ra. Đây là điều rất đáng biểu dương.

Bí Thư Thành ủy TPHCM đánh giá điểm sáng cho tinh thần trách nhiệm của huyện khi đã tổ chức tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao (96,8%), trong đó tiêm vaccine Vero Cell chiếm tỷ lệ 1/10 lượng tiêm vaccine Vero Cell của TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá huyện Củ Chi có nhiều sáng kiến, sáng tạo như bản đồ an sinh xã hội, theo dõi việc chăm lo tới từng hộ dân, từng người dân; dùng công nghệ để quản lý các hoạt động có liên quan đến phòng chống dịch.

Huyện cũng đã tổ chức được các lực lượng tình nguyện tham gia đi chợ giúp dân gắn với tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra. Đó chính là sự sáng tạo “một công hai việc” mà không phải ở nơi nào cũng làm được. Đây cũng là điểm sáng thể hiện sự năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao đối với người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên: Huyện Củ Chi và quận 7 là hai mũi đột phá để thí điểm kịch bản “bình thường mới” cho TPHCM ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bao phủ 100% vaccine, thí điểm kịch bản “bình thường mới” cho TPHCM

Trước những kiến nghị đề xuất của huyện Củ Chi, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TPHCM sẽ đáp ứng được. Trong đó, phải tập trung cho huyện tiêm vaccine đúng tiến độ: phải bao phủ 100% mũi 1 cho những người thuộc diện tiêm, còn mũi 2 cứ đến hạn tiêm là TPHCM sẽ cung cấp đủ vaccine.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá, qua chặng đường dù không dài nhưng cũng đủ để thể hiện được sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân huyện Củ Chi. Trong đó, huyện có đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm cao, đoàn kết thống nhất cả trong ý chí lẫn hành động. Huyện có phong trào quần chúng rất mạnh, có thế trận nhân dân rất tốt và đây chính là truyền thống của huyện Củ Chi, cần phát huy trong thời gian tới. Huyện có lực lượng tình nguyện viên rất đồng đều, tạo nên một sức mạnh tổng hợp và đặc biệt là huyện có thêm một chuyên gia là PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) có nhiều kinh nghiệm.

Trong quá trình chống dịch, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, nguyên tắc đầu tiên là phải bám vào chuyên môn, tôn trọng khoa học, dịch tễ học chứ không thể thực hiện theo ý chí riêng của bất kỳ cá nhân nào.

“Phải tôn trọng khách quan, bám sát thực tiễn, cầu thị lắng nghe. Trong đó, có sự phối hợp giữa nhà khoa học, chuyên môn và địa phương đã tạo nên một sức mạnh đồng bộ, phối hợp chặt chẽ để có được kết quả tốt”, Bí thư Thành ủy TPHCM đúc kết.

Theo đồng chí, không chỉ huyện Củ Chi mà đây là điều cả TPHCM cần rút kinh nghiệm chung để đạt được những kết quả tốt nhất trong phòng chống dịch sắp tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên thông tin, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức 7 đoàn chuẩn bị đi kiểm tra đánh giá kết quả từng địa phương theo tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 của Bộ Y tế đưa ra. Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ đánh giá và “vẽ lại bản đồ Covid-19”.

TPHCM đang tính toán để bổ sung, thay đổi chiến lược trong phòng chống dịch. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, những kết quả của huyện Củ Chi đạt được sẽ là cơ sở để bổ sung cho những điều kiện cần thiết, góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu, thay đổi chiến lược phòng chống dịch của TPHCM trong thời gian tới.

Từ đó, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi mở Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM chọn huyện Củ Chi và quận 7 làm hai mũi đột phá để thí điểm cho việc chuẩn bị kịch bản “bình thường mới” cho TPHCM sau ngày 15-9. Theo đồng chí, huyện Củ Chi có đặc điểm khác, quận 7 cũng có đặc điểm khác. Do đó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cần thông qua hai địa phương này, lấy làm điểm để tiếp tục tiên phong thực hiện một số nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.  

Cắt đứt mọi chuỗi lây nhiễm

Trước đó, báo cáo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, từ ngày 15-8 đến ngày 31-8, huyện ghi nhận 2.327 ca mắc Covid-19. Tất cả các ca mắc Covid-19 đều được chuyển tới khu cách ly thu dung, khoanh vùng xử lý kịp thời và được kiểm soát chặt chẽ.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên: Huyện Củ Chi và quận 7 là hai mũi đột phá để thí điểm kịch bản “bình thường mới” cho TPHCM ảnh 2 Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền báo cáo tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ xã xanh đầu tiên là xã Thái Mỹ, đến nay toàn huyện đã có 17/21 xã bình thường mới. Trong 1.907 tổ nhân dân, tổ dân phố, đã có 1.869 tổ bình thường mới (tăng gần 227%) các vùng đỏ, cam, vàng cơ bản được đẩy lùi.

Giải pháp mà huyện làm tốt là thực hiện triệt để giãn cách xã hội, xem đây là biện pháp mang tính quyết định trong cắt đứt mọi chuỗi lây nhiễm. Huyện thực hiện nghiêm nhà cách ly với nhà, tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân, khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp, xã, thị trấn cách ly xã, thị trấn. Địa bàn huyện có nhiều khu nhà trọ nên huyện triển khai nhà trọ cách ly với nhà trọ.

Về xét nghiệm, từ ngày 15-8 đến ngày 31-8, huyện thần tốc xét nghiệm tầm soát và thực hiện xét nghiệm đạt 300% (3 vòng) đối với khu vực đỏ, cam, vàng và đạt gần 200% vùng xanh. 

Trong điều trị F0, huyện cơ bản tổ chức chăm sóc sức khỏe tốt cho người F0, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tăng số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi. Trong hơn 3.200 trường hợp cách ly tập trung, tỷ lệ số bệnh nhân chuyển nặng chiếm 3,5% (114 trường hợp).

Về công tác tiêm vaccine, toàn huyện đạt vượt chỉ tiêu về tiến độ và thời gian đề ra. Tính đến nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên của huyện Củ Chi đạt hơn 96% (mũi 1) và 4% (mũi 2).

Trong chăm lo cho người dân, huyện Củ Chi đã xây dựng bản đồ an sinh xã hội để cập nhật số lượng, tiến độ chăm lo trên địa bàn từng ấp, khu phố, từng xã, thị trấn cùng với việc triển khai đường link trực tuyến cập nhật nhanh nhu cầu của người dân. Đặc biệt, huyện tổ chức 11 điểm liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện, vừa hỗ trợ nông dân giải cứu nông sản, gia súc, gia cầm, thủy sản, vừa bán tận tay tới người tiêu dùng với giá rẻ, đảm bảo chất lượng.

Với các kết quả trên, huyện Củ Chi kết thúc giai đoạn 1 thần tốc truy vết, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh, mở rộng vùng xanh và chính thức chuyển sang giai đoạn 2 từ ngày 1-9 đến ngày 15-9 với mục tiêu duy trì, kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng, giữ vững vùng xanh và đảm bảo công tác an sinh xã hội.

Đến từ “pháo đài” Tân An Hội, ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Tân An Hội cho biết, xã có trên 10.000 hộ dân (55.000 dân) và gần 100% hộ dân bị ảnh hưởng (hơn 8.000 hộ) bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc điểm của xã không có siêu thị, không có chợ truyền thống nên xã đã lập chợ dã chiến vừa tiêu thụ thịt heo, nông sản cho nông dân và bán đến người dân với giá rẻ hơn so với thị trường. Toàn xã có 293 tổ Covid-19 cộng đồng, mỗi tổ có 1 cuốn sổ ghi chú cụ thể từng hộ dân gồm bao nhiêu nhân khẩu, tiêm chủng vaccine ngày nào, cần hỗ trợ gì và có điện thoại của tất cả hộ dân để liên lạc, trao đổi tình hình hàng ngày.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Thị Cẩm Hồng cho biết, xã vận động chủ nhà trọ tham gia chăm lo an sinh cho công nhân và vận động công nhân làm tình nguyện viên tham gia tổ hậu cần, đi chợ giúp dân.

* Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN TRƯỜNG SƠN: Kinh nghiệm quý giá từ huyện Củ Chi

Tôi đánh giá cao nỗ lực của huyện Củ Chi, đã áp dụng nhiều biện pháp và cho đến nay, căn cứ theo 6 tiêu chí với các chỉ số mà Bộ Y tế quy định thì huyện đều đạt vượt mức. Có thể cơ bản đánh giá hiện giờ huyện Củ Chi kiểm soát được dịch Covid-19.

Những yếu tố huyện đã làm tốt là thực hiện giãn cách quyết liệt, nghiêm túc; chốt chặn ở những điểm then chốt của huyện; xây dựng thế trận nhân dân tốt, ý thức chấp hành nghiêm túc của người dân, xây dựng tổ Covid-19 cộng đồng. Sự hỗ trợ của các lực lượng Trung ương, bộ ngành, phối hợp, hỗ trợ tốt cho huyện Củ Chi. Đây là bài học quý giá, khi các lực lượng và địa phương cùng đoàn kết thực hiện mục tiêu chống dịch ở huyện Củ Chi.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên: Huyện Củ Chi và quận 7 là hai mũi đột phá để thí điểm kịch bản “bình thường mới” cho TPHCM ảnh 3 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu về tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG


Huyện Củ Chi là một trong các địa phương đi đầu trong xét nghiệm, xét nghiệm 3 vòng ở vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng. Từ đó, phát hiện F0 và đưa đi cách ly. Củ Chi cũng có điều kiện khi phần lớn F0 đều được cách ly tập trung, chỉ có hơn 20 trường hợp cách ly tại nhà. Đây là điều kiện tốt mà không phải địa phương nào cũng làm được. Việc tiêm vaccine thực hiện tốt, đạt 96% và sắp chuẩn bị phủ 100% mũi 1.

Dù đạt được kết quả bước đầu tốt, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn nên cần vận động người dân thực hiện giãn cách nghiêm túc từ nay đến ngày 15-9. Huyện cần phối hợp với Sở Y tế và Sở TT-TT TPHCM để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người tiêm vaccine, phục vụ các việc liên quan hộ chiếu vaccine sau này.


* PGS.TS NGUYỄN VŨ TRUNG, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế): Số ca nhiễm mới giảm mạnh, không ghi nhận chùm ca bệnh

Tôi  có 8 tuần cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với lực lượng phòng chống dịch tại huyện Củ Chi. Thực tế công tác phòng chống dịch của huyện Củ Chi và đối chiếu với tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế thì có 2 tiêu chí quan trọng là số ca mới nhiễm trong thời gian qua tại huyện có xu hướng giảm. Huyện cũng không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày. 

Thứ hai, theo tiêu chí phân loại vùng nguy cơ của Bộ Y tế thì số xã có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đều giảm mạnh hơn 70%. Điều đó cho thấy huyện đã rất quyết liệt và đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá cao kết quả của huyện Củ Chi.

* Bí thư Huyện ủy Củ Chi NGUYỄN QUYẾT THẮNG: Huyện sẽ có kịch bản trở lại trạng thái bình thường mới, “sống chung” với Covid-19

Huyện sẽ cố gắng có kịch bản để sau này cùng TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới, “sống chung” với Covid-19. Điều kiện tiên quyết là phủ kín 2 mũi vaccine đối với người dân trên 18 tuổi. Chỉ có tạo ra miễn dịch cộng đồng thì mới yên tâm “sống chung” với Covid-19, còn không thì sẽ rất là nguy. Nếu mà dịch tiếp tục phát triển lan rộng thì sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dân. 

Đảng bộ huyện xác định, cuộc chiến này không phải là kế hoạch mà là cuộc chiến đấu thực sự vì sinh mạng, vì sự an toàn của nhân dân. Nếu chúng ta lơ là để dịch bùng phát, để sinh mạng người dân bị ảnh hưởng thì đó là tội lỗi của chúng ta. Vì thế, huyện vào cuộc với tinh thần cao nhất. Huyện sẽ tiếp tục cố gắng giữ vững vùng xanh, không thỏa mãn, không chủ quan lơ là, vì nếu sơ xuất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục