Kỷ niệm 20 năm ngày mất đồng chí Trường Chinh (30-9-1988 - 30-9-2008)

Đồng chí Trường Chinh Tổng Bí thư của đổi mới (*)

Đồng chí Trường Chinh Tổng Bí thư của đổi mới (*)

Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã đi vào lịch sử và là Đại hội Đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. “Chủ biên” của đổi mới là đồng chí Trường Chinh - người đã “chú ý nghe từ nhiều phía, đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình”.

Đồng chí Trường Chinh Tổng Bí thư của đổi mới (*) ảnh 1
Đồng chí Trường Chinh đọc báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng tháng 12-1986.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta có những lúc xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh, xa rời thực tiễn, do vậy đến những năm 1980, tình hình ngày càng khó khăn. Lúc đó thực tiễn đặt ra yêu cầu phải đổi mới. Ở các địa phương bắt đầu có những tìm tòi thử nghiệm. Anh Trường Chinh đã theo dõi sát tình hình, đi vào thực tiễn, đi xuống cơ sở ở một số tỉnh phía Nam. Trong một cuộc nói chuyện ở Hà Nội, anh Trường Chinh đã kết luận: Hiện nay nhiều báo cáo không đúng sự thật, Đảng ta phải cứu lấy giai cấp công nhân; muốn thế, nhất định phải đổi mới. Đổi mới là yêu cầu bức thiết, đổi mới là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Anh nhấn mạnh: Nếu không đổi mới thì sẽ đi vào ngõ cụt.

Lúc đầu, ý kiến còn khác nhau, cuộc đấu tranh trong nội bộ không phải là bình thường. Sau khi xem bản Dự thảo Báo cáo Chính trị trình ĐH VI, anh Trường Chinh đã không tán thành và đề nghị dự thảo lại lần thứ hai. Căn cứ theo tình hình lúc bấy giờ, anh đi đến nhận định: Chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong lãnh đạo kinh tế, sai lầm về chỉ đạo chiến lược, về tổ chức thực hiện và chính sách cụ thể. Vì vậy phải đổi mới, đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, phải chấp nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phục vụ cho chủ nghĩa xã hội…

Anh Trường Chinh thường nói: Ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, phải từ thực tiễn khái quát thành lý luận. Từ đó, anh đề ra mấy bài học kinh nghiệm trong đó có bài học “lấy dân làm gốc”, phải “tôn trọng quy luật”, hành động theo quy luật. Đó chính là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, trở lại với cách vận dụng tư tưởng Mác như Hồ Chí Minh đã vận dụng”.

Trong ký ức của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng chí Trường Chinh luôn là một nhà lãnh đạo uyên thâm, đáng kính. Đồng chí là tấm gương lớn về nghị lực, nguyên tắc. Đồng chí chẳng những là người có công lớn trong việc khởi xướng đổi mới mà còn đóng góp lớn cho việc gìn giữ kỷ cương trong Đảng. “Với những gì đồng chí Trường Chinh đã làm để đưa Đảng ta, đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, tất cả đều rất mực quý mến và tin tưởng đồng chí. Tôi được biết, trong thời gian chuẩn bị nhân sự Đại hội VI, một số đồng chí lặn lội từ miền Nam ra, tới xin gặp đồng chí Trường Chinh để “năn nỉ” đồng chí tiếp tục làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Điều đó thật không ai có thể hình dung được trước đó”.

Theo Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới. Vang mãi trong lòng nhân dân ta lời phát biểu của đồng chí trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI: Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Đồng chí Trường Chinh là người đề xướng công cuộc đổi mới với nội dung khá toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Những ý kiến của đồng chí đã được sự nhất trí rất cao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng. Trên cơ sở đó, Báo cáo chính trị do đồng chí Trường Chinh thay mặt BCHTƯ trình bày trước Đại hội VI đã được toàn Đảng, toàn dân hân hoan đón nhận, tìm thấy ở đấy con đường sáng tỏ giải phóng sức sản xuất, khai thác và phát huy mọi tiềm năng to lớn của nhân dân, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và phát triển đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Những cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mãi được trân trọng và những bài học quý báu mà đồng chí để lại cho chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là hiện nay khi toàn Đảng ta đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là chỉnh đốn, xây dựng Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Trường Chinh - Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam” do NXB Chính trị quốc gia xuất bản.

CHÂU THANH

Tin cùng chuyên mục