Cách đây không lâu, sự việc nữ sinh 16 tuổi ở Bình Phước nhảy xuống hồ tự tử chỉ vì lý do “không hoàn thành được ước mơ… của bố mẹ” đã làm dư luận bàng hoàng và xót thương. Nhiều ý kiến của các nhà giáo dục đặt ra: Phải chăng ngày nay cha mẹ không hiểu trẻ? Quan hệ cha mẹ - con cái ngày càng lỏng lẻo? Cha mẹ có nên kỳ vọng nhiều vào con cái?
Có nhiều lý do một số phụ huynh không hiểu được con cái mình. Trước hết, họ không hiểu được sự phát triển của con mình về cả tâm và sinh lý. Họ luôn coi những đứa trẻ đã sang tuổi thanh thiếu niên vẫn còn là trẻ con nên việc ứng xử với trẻ vẫn mang tính áp đặt, thiếu tôn trọng ý kiến của trẻ… Vì vậy, các em cũng chẳng bao giờ muốn chia sẻ với cha mẹ về tất cả những điều trong cuộc sống như tình bạn, tình yêu, nguyện vọng của mình. Không ít cha mẹ, đối xử với con cái theo kiểu gia trưởng, chỉ có cha mẹ mới là người quyết định.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách. Từ việc cha mẹ không hiểu trẻ, dẫn đến bất đồng trong quan hệ gia đình; vì thế thường xuất hiện mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Một số cha mẹ có tư tưởng bảo thủ, mỗi khi con cái làm việc gì đó là mắng nhiếc, thậm chí còn chế giễu. Có người do áp lực công việc nên cũng ít có thời gian chia sẻ với con, có gia đình cả tháng cha mẹ và con cái không có điều kiện nói chuyện hay ăn bữa cơm cùng nhau.
Không chỉ vậy, hiện nay một số cha mẹ kỳ vọng quá mức vào con cái, trong khi khả năng của con có hạn. Sự kỳ vọng của cha mẹ có khi không đúng lúc, đúng chỗ nên chuyển thành áp lực cho chính các con. Hơn nữa, tâm lý của không ít các bậc cha mẹ người Việt thường kỳ vọng con cái phải trở thành ông này, bà nọ, có vị trí kia… Có lẽ, nếu như cha mẹ mong con mình trở thành một người lao động bình thường, một công nhân, một người phụ hồ thì sẽ không phải xảy ra những vụ việc thương tâm.
Mong rằng, cha mẹ là người luôn đồng hành cùng con trẻ, phải thực sự hiểu trẻ, lấp đầy khoảng trống trong quan hệ cha mẹ và con cái, cũng như đừng bao giờ kỳ vọng quá lớn, tạo thêm áp lực cho con.
Nguyễn Văn Công