“Thời cơ vàng” để truy vết
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết, ghi nhận riêng trong ngày 8-7, trên địa bàn huyện có 187 ca mắc Covid-19. Trong đó, phần lớn xuất hiện ở cộng đồng với 121 ca; 10 ca khác đang trong khu cách ly và 56 ca đang được khẩn trương điều tra dịch tễ. Lũy tính từ ngày 27-4 đến nay, địa bàn huyện đã ghi nhận 1.091 ca, tập trung chủ yếu ở chợ Bình Điền và xung quanh khu vực này; Khu công nghiệp Vĩnh Lộc...
Ngoài ra, địa phương đang tổ chức cách ly tập trung 1.271 trường hợp, theo dõi gần 4.000 trường hợp; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng 16/16 xã được trên 318.000 mẫu/745.000 dân (đạt 40,27%)… Lãnh đạo huyện Bình Chánh nhận định, diễn biến dịch tại địa phương đang rất phức tạp, xuất hiện tình trạng lây chéo, nhất là đối tượng tiểu thương liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền.
Về thực hiện Chỉ thị 16, ông Đào Gia Vượng khẳng định, đây là “thời cơ vàng” để huyện tập trung toàn lực truy vết, lấy mẫu xét nghiệm 52 khu vực có nguy cơ cao; đồng thời địa phương cũng đã chuẩn bị chu đáo vật lực, con người để lập 21 chốt chặn trên một số tuyến đường, quốc lộ chính giáp ranh với tỉnh Long An nhằm ngăn chặn người dân di chuyển ra khỏi địa bàn huyện.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7, cho biết, hiện quận có 289 ca mắc Covid-19, 390 F1. Riêng sáng 8-7, Bệnh viện Quận 7 lấy mẫu xét nghiệm 700 công nhân của một doanh nghiệp trên địa bàn, phát hiện 50 trường hợp nghi mắc Covid-19. “Việc này cho thấy dịch bệnh trên địa bàn quận rất phức tạp. Quận đã có kế hoạch dự trù 4 trường tiểu học làm nơi cách ly tập trung các trường hợp F1+, F1 khi số ca bệnh trên địa bàn tăng bất thường”, ông Hoàng Minh Tuấn Anh nói.
Cũng nhận định số ca F0 trên địa bàn đang gia tăng, nhiều ca chưa truy vết được nguồn lây, bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND quận 6, cho biết, quận đã rà soát trên địa bàn một dự án nhà ở đang trống, chưa có người dân vào ở, nếu được thành phố chấp thuận sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh TP bàn các giải pháp cải tạo thành bệnh viện dã chiến điều trị cho 1.000 bệnh nhân trong thời gian tới.
Chiến dịch “097”
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, từ 0 giờ ngày 9-7, TPHCM bắt đầu thực hiện giãn cách toàn thành phố, đây là việc thực sự khó khăn đối với một thành phố lớn nhất cả nước với trên 10 triệu dân. Do đó, trong 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, thành phố phải nỗ lực làm quyết liệt để dứt điểm tình hình dịch bệnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu TPHCM phải có sự phân công công việc rõ ràng, có mục tiêu cụ thể. 15 ngày sau giãn cách cần có giải pháp cho người dân thực hiện những phần việc cụ thể để duy trì. Phó Thủ tướng lưu ý, khi giãn cách phân loại từng đối tượng gia đình để tận dụng hiệu quả tiềm lực, năng lực đang có với những giải pháp hiệu quả hơn trong vấn đề rà soát, lấy mẫu; chủ động phân tích dữ liệu dịch tễ để đón đầu tình hình; chấn chỉnh và rà soát kỹ tình hình dịch bệnh tại các khu chợ, khu công nghiệp...
“TPHCM thực hiện giãn cách xã hội trên tinh thần nâng cao hơn một mức, thực hiện các biện pháp mạnh hơn để dập dịch sớm; đồng thời bảo đảm đời sống của người dân. Phải làm sao vừa dập dịch vừa an dân. Dân có đồng thuận cùng chính quyền thì việc chặn dịch mới thành công”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Nhận định về tình hình dịch bệnh của các địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, công tác nắm số liệu ca bệnh, thực hiện cách ly, phong tỏa, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm được các địa phương thực hiện tốt nhưng cần sát sao, quyết liệt hơn. Chiều 8-7, TPHCM thành lập Trung tâm Chỉ huy điều hành chiến dịch thực hiện Chỉ thị 16 tại UBND TP, trong đó đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy là Chính ủy và Chủ tịch UBND TP là Chỉ huy trưởng.
“Đây là thời điểm quan trọng cho trận chiến và chỉ có đoàn kết chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh”, đồng chí Nguyễn Thành Phong kêu gọi và khẳng định: “Tôi ví thời điểm 0 giờ ngày 9-7 là “chiến dịch 097”, bởi chỉ khi cả hệ thống chính trị thành phố nhận được sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thì chúng ta phải coi 15 ngày tới là chiến dịch và đã là chiến dịch thì phải có chiến lược, chiến thuật cụ thể mới chiến thắng được “giặc” Covid-19”.