Đồng Nai phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang khôi phục sản xuất với nhiều dự án đầu tư quy mô lớn được triển khai. Tỉnh cũng đang chú trọng xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, hướng tới phát triển một ngành nông nghiệp bền vững.
Thanh long được chế biến, sấy kho tại KCN Long Khánh để xuất khẩu sang châu Âu
Thanh long được chế biến, sấy kho tại KCN Long Khánh để xuất khẩu sang châu Âu

Nhiều sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu

Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp khôi phục sản xuất và đạt được những kết quả khả quan. Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh có 131 đơn vị sản xuất, chế biến nông sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời, ứng dụng hệ thống tưới nước tiên tiến cho cây trồng trên diện tích 7.822ha (tăng 284ha so với năm 2021); 1.951ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận an toàn (trong đó 7ha đạt chứng nhận hữu cơ và 1.454ha sản xuất theo hướng hữu cơ). Đặc biệt, Đồng Nai có 12 hồ sơ trình công nhận vùng trồng và 5 cơ sở đóng gói xuất khẩu sản phẩm chuối, sầu riêng. Hiện đã cấp 120 mã số vùng trồng và 53 mã số nhà đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand.

Đồng Nai có nhiều vùng đặc sản nức tiếng gần xa như chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ Long Khánh, dâu An Phước, sầu riêng Long Thành, bưởi Tân Triều... Mỗi đặc sản thường mang nét đặc trưng về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên cũng như nét riêng về văn hóa và con người vùng đất đó.

Ông Trần Anh Tùng (xã Bình Sơn, huyện Long Thành), trồng thử nghiệm 2ha giống sầu riêng Sukang ruột đỏ, một đặc sản của Malaysia. Sầu riêng khi chín có màu vàng đỏ, rất mịn, vị ngọt đậm và béo hơn các giống sầu riêng đang trồng trong nước, có giá trị kinh tế, giá bán từ 250.000-300.000 đồng/kg. Mô hình đang được bà con trong tỉnh quan tâm, tìm đến học hỏi kinh nghiệm để chọn được những giống trái cây đặc sản, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và trồng theo chuẩn VietGAP.

Ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai có hàng ngàn trang trại, trong đó trang trại heo, gà chiếm 90%; có 21% trang trại sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi và có 150 trang trại, 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn. Sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 110.000 tấn thịt heo/năm, 55.000 tấn thịt gà/năm. Về thủy sản, điển hình là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đang được nhân rộng, lên tới hơn 300ha.

Riêng tại 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch đã ứng dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao (CPF Combine) với 77 hộ trên diện tích gần 156ha, cho lợi nhuận 600-800 triệu đồng/ha. Sở NN- PTNT Đồng Nai đang hướng dẫn các hộ nuôi duy trì 14 vùng nuôi thủy sản đạt chứng nhận an toàn thực phẩm với quy mô hơn 400ha và 80.366m³ lồng, bè với sản lượng 15.282ha tấn tôm, cá phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ sản phẩm

Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhân rộng 22.274ha cây trồng, 151.000 vật nuôi, 15ha diện tích nuôi trồng thủy sản với 68 mô hình sản xuất nông nghiệp tốt. Tỉnh đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hợp tác trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản với 181 chuỗi liên kết với sự tham gia của 97 doanh nghiệp, 60 hợp tác xã, 31 cơ sở, hơn 12.540 hộ sản xuất.

Điển hình là sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP 4 sao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức; chuỗi bắp làm thức ăn chăn nuôi của HTX Đồng Tây (huyện Cẩm Mỹ), quy mô hơn 400ha; chuỗi sầu riêng của Công ty TNHH XNK Toàn Thắng, quy mô 6.000 tấn/năm được đánh giá OCOP 4 sao đang triển khai nhân rộng đến người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Đồng Nai hiện có nhiều nhóm nghề đang phát triển tốt như nghề nuôi hươu, nai lấy nhung (huyện Vĩnh Cửu), nghề nuôi trồng chế biến nấm ở xã Suối Nho (huyện Định Quán), nghề nuôi cá lồng bè ở xã La Ngà (huyện Định Quán), nghề mỹ nghệ ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom)… nhưng chưa được công nhận làng nghề. Việc sản xuất chỉ mang tính tự phát nên rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng về vốn vay, đầu mối tiêu thụ, tránh tình trạng bị thua lỗ do bị tiểu thương ép giá.

Theo ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, trong năm 2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản dần được khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt mới đây, sản phẩm sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sầu riêng của tỉnh. Đồng Nai đang tập trung các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản, xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản góp phần phục hồi phát triển kinh tế ngành nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục