Đồng Nai phấn đấu có quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước

Hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND tỉnh này thông qua tại kỳ họp thứ 16, khóa X và được UBND tỉnh hoàn thiện trình lại Bộ KH-ĐT, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch. Quan điểm xuyên suốt của quy hoạch là lấy người dân làm trung tâm, thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến phát triển xanh bền vững, phấn đấu trở thành địa phương có quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước (sau TPHCM, Hà Nội) vào năm 2030.

GRDP bình quân đầu người gấp 1,6 lần so với cả nước

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam bộ với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam, hướng ra quốc tế. Hiện tỉnh có 11 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố và 9 huyện; diện tích gần 6.000km2; dân số trên 3,3 triệu người.

XHH 7F.jpg
Một góc đô thị Biên Hòa nhìn từ trên cao

Triển khai thực hiện Quyết định 734/ QĐ-TTg ngày 27-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2012-2023 đạt khoảng 7%; GRDP bình quân đầu người đạt gần 140 triệu đồng (gấp 1,6 lần so với cả nước); tỷ trọng cơ cấu nông, lâm nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ, thuế, sản phẩm đạt tương ứng 9,33%, 59,47%, 23,47%, 7,73%.

Trong đó, công nghiệp là động lực tăng trưởng của tỉnh với 31/32 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên 86%, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2023 đạt 37,3 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với GRDP và là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của cả nước.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 54.000 doanh nghiệp với trên 1.100 dự án có vốn đầu tư trong nước và 1.600 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Năm 2023, thu ngân sách của tỉnh đạt trên 58.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có mức thu ngân sách cao nhất cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được quan tâm, đạt được nhiều kết quả. Năm 2023, tỷ lệ phát triển mạng lưới giáo dục ngoài công lập đạt 20%, huy động học sinh ngoài công lập đạt 19,7%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93%, bình quân 1 vạn dân trên địa bàn tỉnh có 9,4 bác sĩ và 30 giường bệnh.

Phấn đấu thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu

Trên cơ sở phát huy thành tựu, nhận rõ các tồn tại, yếu kém, nội dung quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện quan điểm, tầm nhìn và những nhiệm vụ đột phá.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của cả nước; đi đầu trong phát triển về kinh tế hàng không, công nghiệp hiện đại công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; lấy sân bay Long Thành làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và logistics; hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đạt đẳng cấp quốc tế; thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước; nhân dân được hưởng thụ cuộc sống văn minh với mức sống cao và hạnh phúc; hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc.

Tỉnh Đồng Nai phấn đấu đến năm 2030 trở thành địa phương có quy mô kinh tế thứ 3 cả nước và đến năm 2050 là thành phố trực thuộc trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại.

Đồng thời là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với văn hóa tín ngưỡng và đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh bền vững, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm...

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên, Đồng Nai đưa ra 5 nhiệm vụ đột phá gắn với các dự án trọng điểm như: đầu tư xây dựng mới KCN xanh, trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung; triển khai các dự án Khu đô thị sân bay, Khu đô thị sinh thái sân bay Long Thành, Tổ hợp khu đô thị, du lịch núi Chứa Chan, hồ Núi Le, chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai (ưu tiên khu vực TP Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch); triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, khai thác hiệu quả sân bay quốc tế Long Thành, cảng Phước An để hình thành trung tâm logistics thông minh, đồng bộ, hiệu quả; đầu tư hoàn chỉnh các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, tập trung các tuyến cao tốc, tuyến giao thông kết nối vùng, kết nối sân bay, cảng biển, khu đô thị, dịch vụ; đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường ven sông Đồng Nai và triển khai các dự án chuyển đổi số; phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho vùng Đông Nam bộ…

Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất 5 giải pháp để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch gồm huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; môi trường, khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách liên kết phát triển và giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn.

Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, với tầm nhìn, tư duy đổi mới sáng tạo, cùng khát vọng vươn lên phát triển, quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sản phẩm của sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh; là động lực phát triển và sẽ mở ra 1 thời kỳ mới đầy triển vọng cho tỉnh. Đồng Nai quyết tâm thực hiện để đạt được kết quả cao nhất.

Tin cùng chuyên mục