Đông Nam bộ: Quá tải các cơ sở cai nghiện ma túy

Khu vực các tỉnh Đông Nam bộ tập trung nhiều cơ sở cai nghiện ma túy, giúp người nghiện từng bước cắt cơn, đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu” và phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, sự gia tăng của tội phạm buôn “cái chết trắng” trong thời gian gần đây đã khiến số người nghiện tăng nhanh, các cơ sở cai nghiện cũng đối mặt tình trạng quá tải.

Học viên cai nghiện ma túy ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai được học nghề cắt may. Ảnh: HOÀNG BẮC
Học viên cai nghiện ma túy ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai được học nghề cắt may. Ảnh: HOÀNG BẮC

Hoạt động hơn 100% công suất

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương (xã Tân Lập, huyện Phú Giáo) được xây dựng từ năm 1999, là cơ sở duy nhất của tỉnh tiếp nhận các đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện trên địa bàn, có sức chứa 750 học viên (HV). HV được phân bổ ở 5 khu, với 35 phòng, diện tích phòng lớn nhất cũng chỉ khoảng 60m2. Năm 2023, cơ sở có 701 HV từ năm trước chuyển sang và số HV có xu hướng tăng nhanh, từ đầu năm 2024 đến nay số tiếp nhận mới hơn 200 trường hợp. Một cán bộ của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương cho biết: “Dù đã tiếp nhận đủ theo thông báo, nhưng nhiều đơn vị vẫn hỏi rằng cơ sở có thể tiếp nhận thêm không, bởi số người đang chờ được đi cai nghiện vẫn còn khá nhiều. Có thời điểm, lượng HV tập trung quá đông, xuất hiện tình trạng quá tải, và chúng tôi phải tận dụng, cải tạo phòng ăn làm phòng học tập, sinh hoạt cho HV”.

Tại tỉnh Bình Phước, Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Đức (huyện Bù Gia Mập) có chức năng tiếp nhận, điều trị đa chức năng cho người nghiện ma túy giới tính là nữ, là một trong những cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM và hiện cũng đối mặt tình trạng quá tải. Đại diện lãnh đạo cơ sở này chia sẻ: “HV bây giờ đông lắm, lên tới hơn 1.400 HV, nhân sự mỏng nhưng vẫn trong lộ trình thực hiện tinh giản biên chế. Cơ sở phải triển khai giải pháp tình thế là nới rộng các phòng cho rộng rãi, tăng sức chứa. Chỉ tính trong hơn một năm qua, cơ sở đã nới hơn 4 phòng, từ hơn 200m2 lên hơn 300m2/phòng, nỗ lực tiếp nhận tối đa các HV đưa tới”.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 1.140 HV cai nghiện tập trung, trong đó 1/3 HV không phải là người địa phương trong tỉnh. Hiện tỉnh có 2 cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy phân bố ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ và xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, với quy mô tiếp nhận 1.250 HV. Tuy chưa đến mức quá tải nhưng để đáp ứng nhu cầu cai nghiện, tỉnh đã liên tiếp đầu tư mở rộng quy mô cơ sở ở xã Hòa Hiệp. Trước đó, năm 2016, sau khi xảy ra một số vụ việc HV cai nghiện ma túy ở xã Tóc Tiên phá rào bỏ trốn, tỉnh đã đầu tư nâng cấp quy mô tiếp nhận cơ sở điều trị cai nghiện ma túy ở xã Hòa Hiệp từ 300 lên 1.000 HV. Tiếp đó, tháng 12-2023, tỉnh đã thông qua quyết định đầu tư 325 tỷ đồng để triển khai Dự án cải tạo lại khu điều trị nghiện ma túy huyện Xuyên Mộc lên quy mô 1.500 HV.

Báo động tình trạng người nghiện “trẻ hóa”

Trong bối cảnh người nghiện ma túy gia tăng, việc giảm áp lực cho các cơ sở xã hội, cai nghiện không thể thực hiện được một sớm một chiều. Trong khi đó, công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo quy định mới chưa thực hiện được, nhất là các cơ sở cắt cơn nghiện ma túy ban đầu ở các địa phương chưa được hình thành, các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy công lập chưa được công bố đủ điều kiện thực hiện quy trình cai nghiện ma túy theo quy định.

Đa số các đối tượng nghiện ma túy là dân nhập cư từ các tỉnh, thành phố khác vào Bình Dương để lao động, tỷ lệ người nghiện dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số HV được đưa vào cơ sở cai nghiện. Phần lớn người nghiện ma túy đều không có việc làm và không được đào tạo nghề, tình trạng người nghiện ma túy tái nghiện và có tiền án, tiền sự được đưa vào cơ sở cai nghiện ngày càng tăng so với các năm trước, dẫn đến khó khăn, phức tạp trong công tác giáo dục và quản lý HV, chưa kể số người nghiện lang thang hoặc từ các tỉnh khác đến Bình Dương lên tới hơn 3.000 người, tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội. Trước thực trạng trên, tỉnh Bình Dương đã phải sớm đầu tư mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, với năng lực tiếp nhận HV tại đây lên gấp đôi so với hiện tại, tức tiếp nhận tối đa 1.500 HV, dự kiến đưa vào sử dụng ngay trong năm 2024.

Theo Thượng tá Đỗ Xuân Ẩn, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Bình Dương, để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là trong sinh viên, thanh niên công nhân tại các nhà trọ trên địa bàn về các tác hại của ma túy, nhất là các loại mới núp bóng bằng nhiều nhiều hình thức và đặc biệt nguy hiểm như Fentanyl. Hiện nay, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn đã quá tải, ngành chức năng đang triển khai nhiều giải pháp “song trùng”, một mặt đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm, ngăn chặn ma túy thâm nhập, mặt khác chủ động phối hợp các ngành và tổ chức đoàn thể đa dạng hình thức truyền thông để kéo giảm người nghiện, hướng tới làm sạch địa bàn, tránh tình trạng quá tải ở các cơ sở cai nghiện.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện đang quản lý 2.184 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó số người nghiện ngoài xã hội là 1.016. Đáng lưu tâm là người nghiện ma túy đa số tuổi còn trẻ, là con em gia đình khá giả (bao gồm cả học sinh, sinh viên, công nhân viên chức).

Tin cùng chuyên mục