Ngày 10-6, đoàn HĐND TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM dẫn đầu, có buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TPHCM.
Công tác giám sát được thực hiện đối với Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN).
Giao thông “khát” vốn
Báo cáo với đoàn, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT, thông tin, thời gian qua, thành phố đã tập trung các nguồn lực, đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm theo chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 của Thành ủy. Tính đến tháng 4-2020, TPHCM đã làm mới và đưa vào sử dụng 338/272 km đường bộ (đạt 124% so với kế hoạch), xây dựng mới 68/76 cây cầu và dự kiến cuối năm xây dựng 80/76 cây. Nhiều công trình giao thông trọng điểm như đường Phạm Văn Đồng, cầu Phú Hữu trên đường Vành đai Đông, hầm chui nút giao An Sương, hầm chui Mỹ Thủy… đã đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, ông Phan Công Bằng cho rằng, trong 5 năm qua, việc huy động vốn đầu tư các công trình giao thông gặp nhiều khó khăn. Theo đó, vốn ngân sách chỉ đạt hơn 12.600 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 27% so với nhu cầu dự kiến. Tương tự, phần vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) chỉ đạt con số khiêm tốn so với kỳ vọng, gần 17.000 tỷ đồng, đạt 13% so với nhu cầu.
Trước các thông tin này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ bày tỏ, liệu với số vốn được bố trí, Sở GTVT đã sử dụng hết? “Nếu sử dụng chưa hết, thì cần chỉ rõ có gì không phù hợp với thực tiễn, có gì không vướng mắc?”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đặt vấn đề.
Tiếp tục đề cập đến một số dự án đang gặp vướng mắc như dự án đường Vành đai 2, đoạn từ nút giao Gò Dưa đến Phạm Văn Đồng (đoạn 3), dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm…, đồng chí chất vấn, trước tình hình này, Sở GTVT đã tham mưu gì cho TPHCM tháo gỡ? Tương tự, việc thay đổi tổng mức đầu tư ban đầu, có khi tổng mức đầu tư vượt quá thẩm quyền TPHCM, thì thực hiện thế nào?
Đề cập đến trách nhiệm của Sở KH-ĐT, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thắc mắc, trước thay đổi của Luật Đầu tư công, Sở KH-ĐT đã rà soát có bao nhiêu dự án BOT phải chấm dứt? Đối với những dự án đã ký kết mà đang thực thực hiện thì việc xử lý như thế nào? Đồng thời, đồng chí cũng đề cập đến hàng loạt vấn đề liên quan đến các đơn vị khác, trong đó có bố trí vốn mua nền tái định cư cho người dân, về chính sách bồi thường trong cùng dự án Hàng Bàng nhưng có độ vênh về giá bồi thường giữa quận 5 và quận 6…
Đại diện Sở KH-ĐT cho biết, nguồn ngân sách thành phố cho các dự án giao thông nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Dù vậy vẫn có tình trạng, một số cơ quan, đơn vị chủ đầu tư đăng ký vốn chưa sát với thực tế. Số vốn đăng ký vượt khả năng thực hiện và giải ngân của dự án, phải đề xuất điều chỉnh giảm vốn để “đạt tỷ lệ giải ngân” theo yêu cầu. Liên quan các dự án đang thực hiện theo hình thức PPP, đơn vị được giao rà soát 13 dự án được triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đến nay có 10 dự án đã được xem xét để hoàn thiện thủ tục, tiếp tục cho triển khai, số còn lại đang rà soát tiếp.
Chia sẻ thêm, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, thông tin dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 và cầu Tân Kỳ Tân Quý phải dừng đầu tư theo hình thức BOT và chuyển sang dùng vốn ngân sách. Đây cũng là một trong những khó khăn chính, dẫn đến các dự án giao thông ở TPHCM đang thiếu vốn đầu tư. Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động tối đa nguồn lực (ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa), để xây dựng các công trình giao thông, trong bối cảnh tỷ lệ điều tiết cho TPHCM thấp.
Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở KH-ĐT rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các dự án theo hình thức PPP để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Dự án chậm làm ảnh hưởng đến người dân
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TPHCM đạt kết quả khả quan, có nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Theo đồng chí, số tiền hàng năm dành cho giao thông rất lớn, nhưng vẫn còn nhiều dự án kéo dài, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, như dự án nút giao Mỹ Thủy, Vành đai 2, cầu Bưng, kênh Hàng Bàng, cầu Long Kiểng…
“Nếu đánh giá đầy đủ, toàn diện các dự án thì hiệu quả chưa đạt như mong muốn”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ bày tỏ.
Đồng tình về sự chậm trễ có nguyên nhân khách quan, song đồng chí Nguyễn Thị Lệ còn nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan. Đó là công tác chuẩn bị đầu tư còn chưa chu đáo, chưa chặt chẽ về mặt pháp lý, cũng như sự phối hợp của các đơn vị liên quan còn chưa nhịp nhàng đồng bộ, nhất là trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đồng chí cũng chỉ rõ, việc chọn và đề xuất danh mục dự án trọng điểm, chọn thứ tự ưu tiên thực hiện dự án, còn chưa có khoa học, mà vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm.
Từ đó, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nêu ra những yêu cầu cụ thể đối với với các sở - ngành nhằm góp phần cùng đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông. Trong đó, Sở GTVT cần làm rõ, đánh giá cụ thể về những dự án đang thực hiện, có chỉ rõ dở dang, vướng mắc ở khâu nào, thẩm quyền xử lý tới đâu? Đồng thời, Sở GTVT phải đề xuất cụ thể các giải pháp cũng như kiến nghị tháo gỡ, nhất là các nguyên nhân của việc chậm thực hiện giải ngân công trình trọng điểm.
Lưu ý giảm ùn tắc giao thông là 1 trong 7 chương trình đột phá của TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Sở GTVT tập trung tham mưu, đề xuất, tháo gỡ vướng mắc các dự án kéo dài trên 10 năm, các dự án có vướng mắc do thay đổi của Luật Đầu tư công. Đồng thời, có giải pháp trong thực hiện các dự án PPP, BT, BOT…, tránh tình trạng đầu tư thiếu trọng điểm, dàn trải. Đặc biệt, đồng chí lưu ý, phải xác định tiêu chí để ưu tiên, chọn và đẩy nhanh thực hiện dự án, sớm đưa vào sử dụng.
Để chia sẻ với ngành giao thông, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Sở TN-MT quan tâm nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để có chính sách ổn định và đảm bảo được quyền lợi người dân trong khu vực quy hoạch, tránh tình trạng triển khai thực hiện gặp những khó khăn, vướng mắc.
Nhắc lại dự án cầu Long Kiểng kéo dài 20 năm, dẫn đến người dân còn sống ở mố cầu, đồng chí đặc biệt lưu ý Sở TN-MT rà soát dự án thu hồi đất sau 3 năm nhưng đến nay chưa thực hiện và đề xuất xử lý phù hợp quy định.
Song song đó, đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Sở KH-ĐT lập kế hoạch đảm bảo vốn ngân sách thực hiện các dự án của chương trình giảm ùn tắc giao thông, tránh tình trạng công trình chậm triển khai thiếu vốn. Ngược lại cũng phải rà soát khả năng giải ngân vốn ở các dự án và có hướng dẫn, đề xuất xử lý đối với việc đăng ký vốn chưa sát nhu cầu. Bởi vì hiện vẫn còn tình trạng đề xuất, bố trí vốn vượt thực tế.
“Có đơn vị đề xuất thừa, cuối năm được đến đâu hay đến đó”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh. Điều này dẫn tới bố trí vốn không phù hợp với nhu cầu, khiến giải ngân chậm, thậm chí không giải ngân được.
Theo ông Phan Công Bằng, trong 5 năm qua, việc huy động vốn đầu tư các công trình giao thông gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nữa là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư, với thời gian thu hồi đất bàn giao mặt bằng để thi công kéo dài (từ 14-18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài 2-3 năm). Do đó, nhiều dự án chưa thể triển khai hoàn thành, đặc biệt TPHCM chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh, chưa đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các nút giao thông quan trọng cũng như các tuyến đường trục chính nội đô. Dù vậy, Sở GTVT cũng đang xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, đề xuất ưu tiên vốn ngân sách đầu tư các dự án cấp bách như tập trung khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, xây dựng đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến quốc lộ, các công trình giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất hoặc cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước. |