
Đã từng nghe về nghề thuốc nam của người Chăm, nhưng tôi vẫn bất ngờ về một làng thuốc Chăm Ninh Thuận. Được thông tin về một dự án bảo tồn nghề thuốc nam, tôi hăm hở về xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận…
Làng thuốc nam
Xuân Hải là xã đồng bằng ở phía Tây huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, hơn nửa số dân là người Chăm. Còn hai thôn Phước Nhơn, An Nhơn thì 100% là người Chăm. Đến đây mùa này, có đến hơn nửa làng đi bán thuốc nam ở xa, rất ít người ở nhà.
Nói chung, người Chăm làng này bôn ba khắp cả nước, sang cả Lào, Campuchia, Trung Quốc - dược sĩ (DS) Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch Hội đông y tỉnh Ninh Thuận cho biết - nền y dược học cổ truyền của người Chăm có từ rất sớm và chịu ảnh hưởng của y dược học cổ truyền Đông Ấn, Trung Quốc. Sống gần gũi với thiên nhiên, người Chăm biết sử dụng các loại cây, cỏ để chữa bệnh. Bà con có rất nhiều bài thuốc hay. Xã Xuân Hải có khoảng 1.200 hộ làm thuốc, tập trung đông nhất là hai thôn người Chăm - An Nhơn và Phước Nhơn.

Lương y Thành Ngọc Bính bắt mạch, bốc thuốc cho bệnh nhân
Chúng tôi đến nhà lương y Thập Tấn (thôn An Nhơn), ông đang cùng các lương y Nguyễn Văn Thừa, Lương Nhĩ và một số hội viên Hội đông y xã bàn chuyện vườn ươm cây thuốc. Cạnh nhà, một vườn cây giống đã lên xanh chuẩn bị nhân ra những vườn khác trong làng. Lương y Thập Tấn là Hội trưởng Hội đông y xã Xuân Hải, lương y Lương Nhĩ - Chi hội trưởng Chi hội đông y thôn An Nhơn 1, lương y Nguyễn Văn Thừa - Chi hội phó của An Nhơn 2… Họ là những người giàu kinh nghiệm về nghề thuốc nam, đều có đại lý bán thuốc và bắt bệnh bốc thuốc…
Chẳng biết có phải do nắng gió khác thường không mà cây thuốc ở rừng Ninh Thuận được cho là tốt nhất. Và ở đây ai cũng biết làm thuốc. Hiện giờ, xã có tới 800 hội viên Hội đông y, 85% số này đã qua các lớp tập huấn chế biến dược liệu, châm cứu…, 13 lương y đã được chuẩn hóa ở các lớp của tỉnh, của ngành. Gần hết cả làng sống bằng nghề thuốc, làm nhà, nuôi con ăn học bằng nghề thuốc.
Xây dựng thương hiệu
Có đến 300 loài thuộc 97 họ thực vật được người Chăm dùng làm thuốc. 13 đại lý trong làng, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1 tấn cây thuốc khô, 1 năm khoảng 300 tấn, tương đương 3.000 tấn dược liệu tươi. Tất cả đều khai thác trong tự nhiên. Những người Chăm, người Raglai lấy cây thuốc trong rừng Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái (Ninh Thuận), rừng Khánh Hòa, Bình Thuận… cung cấp cho các đại lý. Cho đến bây giờ, cách khai thác vẫn là đào lấy rễ, củ, chặt cây bóc vỏ - đào tận gốc, tróc tận rễ - thế nên nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu đã ở ngay trước mắt. Thầy Tấn, thầy Thừa, thầy Nhĩ, chị Phượng, là những người gắn bó với nghề thuốc, đều xác nhận, cây thuốc giờ hiếm lắm, lặn lội trong rừng, tìm mỏi mắt không ra.
Đầu năm nay, một dự án về bảo tồn cây thuốc, bảo tồn nghề thuốc Chăm bắt đầu khởi động. DS Tuyển, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cũng là trưởng ban điều hành dự án cho biết, đây là mô hình trình diễn bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc nam truyền thống của người Chăm Ninh Thuận. Dự án được triển khai ở 2 thôn An Nhơn và Phước Nhơn (xã Xuân Hải). Dự án được Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ và được địa phương rất ủng hộ. Xã đã giao cho dự án khu đất 1ha để xây dựng vườn bảo tồn tập trung. Hội đông y xã cũng đã chọn 30 hộ làm điểm vườn thuốc nam.
Ông Trần Ngọc Phận, Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, cho biết: Phần lớn dân các thôn An Nhơn, Phước Nhơn sống bằng nghề thuốc, nhưng nhiều người phải vất vả quanh năm suốt tháng đi bán thuốc xa, hàng tháng gửi tiền về nuôi các con ăn học. Trong xã hiện đang có hàng trăm cháu đang học các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp. Trong đó có nhiều cháu theo học nghề y dược. Anh Phận cho rằng, khi làng thuốc nam này có thương hiệu thì bà con chẳng cần đi xa, mà người ta sẽ tìm đến. Thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ là tốt nhất. Hơn nữa, làng nghề này có thể kết nối với các làng nghề khác như làng gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp thành các tour du lịch. Du lịch kết hợp chữa bệnh. Thông qua du lịch, thuốc nam của người Chăm được quảng bá rộng rãi. Địa phương có điều kiện phát triển, đời sống bà con sẽ ngày càng được cải thiện…
Từ Xuân Hải trở về, tôi hình dung mai này làng Chăm đây sẽ xanh màu cây thuốc, những người đàn ông, đàn bà Chăm vừa là lương y, vừa kiêm hướng dẫn viên du lịch; con em trong làng sau khi học xong ở các trường nghề sẽ trở về xây dựng quê hương…
NGUYÊN BÌNH