Dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3 triển khai chậm do chưa có mặt bằng

Ngày 4-6, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Triệu Đỗ Hồng Phước cùng các sở, ngành đã có buổi giám sát tiến độ triển khai thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 2 và công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3. 

Tham dự buổi giám sát có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP.

Tại buổi giám sát, báo cáo về kết quả thực hiện dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, quận Thủ Đức (hợp đồng BT), đại diện nhà đầu tư cho biết, công trình có quy mô phần đường xây dựng mới hai nhánh đường song hành hai bên tuyến chính theo quy hoạch, bề rộng mỗi nhánh 10,5m (3 làn xe), mặt cắt ngang tổng thể rộng 67m.
Dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3 triển khai chậm do chưa có mặt bằng ảnh 1 Đại biểu chất vấn tại buổi giám sát. Ảnh: QUỐC HÙNG
Dự án xây dựng 3 cầu là cầu rạch Lùng, cầu rạch ông Việt và cầu rạch Gò Dưa, chiều dài mỗi cầu 79,67m; xây dựng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hào kỹ thuật, nút giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông và một số hạng mục phụ trợ.
Công trình được khởi công vào cuối năm 2017, đến nay, giá trị thi công khoảng 402 tỷ đồng; nhà đầu tư đã tạm ứng tiền phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, di dời giải phóng mặt bằng và các hạng mục khác tổng số tiền 886,78 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ, nhà đầu tư kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận Thủ Đức khẩn trương bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư triển khai thi công công trình nhằm bảo đảm tiến độ dự án.
Đối với dự án đường Vành đai 3 TPHCM, ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, công trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011 tại Quyết định số 1697/QĐ - TTg ngày 28-9-2011 đi qua 4 tỉnh, thành phố (gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An) với tổng chiều dài của dự án khoảng 97km. Hiện nay, công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn Mỹ Phước - Bình Chuẩn dài 16km thuộc tỉnh Bình Dương. Tiến độ triển khai thực hiện dự án rất chậm so với quy hoạch.
Về công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư cho biết, đối với đoạn giải phóng mặt bằng thuộc địa phận TPHCM sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2020 đến năm 2021. TPHCM sẽ ứng trước khoảng 2.939 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020 và sẽ được hoàn trả bằng ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với đoạn thuộc địa phận tỉnh Long An và Bình Dương sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng từ năm 2021 đến năm 2022 bằng nguồn ngân sách Trung ương được bố trí trong giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát Triệu nhấn mạnh, dự án đường Vành đai 2 mục tiêu kết nối các trục giao thông chính từ đường Phạm Văn Đồng với Quốc lộ 1 nhằm khép kín tuyến này theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành và quận Thủ Đức sớm thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; chủ động triển khai dự án theo đúng hợp đồng đã ký kết trên tinh thần nhận mặt bằng giao đến đâu triển khai thi công ngay.
Quận Thủ Đức thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng; chỉ đạo bộ phận chuyên môn nắm chắc về pháp lý của từng hồ sơ bồi thường để phân loại từng hồ sơ và tổ chức tiếp dân để tuyên truyền vận động người dân và nắm bắt những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ nhằm tạo sự đồng thuận trong dân. Sở Giao thông - Vận tải TP chủ động phối hợp, hướng dẫn tháo gỡ cho nhà đầu tư và quận Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đối với dự án Vành đai 3, với những khó khăn, vướng mắc hiện nay về khung chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng giữa Đồng Nai và TPHCM, TP sẽ rà soát lại để có kiến nghị tháo gỡ. 

Tin cùng chuyên mục