Vấn đề bạn đọc quan tâm

Dự án khu liên hợp Tân Thắng: Người dân bị o ép

Dự án Khu liên hợp Thể thao Văn hóa và Dân cư Tân Thắng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM) có diện tích trên 93ha, do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) làm chủ đầu tư, đã kéo dài nhiều năm. Lãnh đạo quận Tân Phú đã ra “tối hậu thư”: cuối tháng 10-2009, phải đền bù xong cho người dân, nếu không quận sẽ kiến nghị xử lý. Thế nhưng, gần một năm đã trôi qua, hàng chục hộ dân vẫn sống trong tình cảnh đi không được, ở không xong.Đền bù bằng... giấy ghi nợ!?
Dự án khu liên hợp Tân Thắng: Người dân bị o ép

Dự án Khu liên hợp Thể thao Văn hóa và Dân cư Tân Thắng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM) có diện tích trên 93ha, do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) làm chủ đầu tư, đã kéo dài nhiều năm. Lãnh đạo quận Tân Phú đã ra “tối hậu thư”: cuối tháng 10-2009, phải đền bù xong cho người dân, nếu không quận sẽ kiến nghị xử lý. Thế nhưng, gần một năm đã trôi qua, hàng chục hộ dân vẫn sống trong tình cảnh đi không được, ở không xong.

Đền bù bằng... giấy ghi nợ!?

Chị Trần Thị Nhân ở tổ dân phố 48 cho biết, gia đình chị đã sinh sống ổn định, làm trại chăn nuôi tại đây trên 10 năm. Dạo trước, cán bộ dự án thông báo sẽ hỗ trợ gia đình 6 triệu đồng để di dời trại chăn nuôi. Cán bộ nói rồi “lặn” luôn, còn gia đình chị cùng trại heo có trên 50 con chưa biết phải chuyển đi nơi nào để sinh sống.

Anh Nguyễn Đức Thông, ở nhà 018 đường Bờ Bao Tân Thắng, tổ dân phố 47, khu phố 3, bức xúc: “Theo giá thị trường, đất khu vực này trên 25 triệu đồng/m² nhưng chủ đầu tư chỉ đền cho gia đình tôi 6 triệu đồng/m². Gia đình đã đến đây mua đất, xây dựng nhà và ở ổn định từ năm 1993 đến nay. Không riêng tôi, hơn 20 hộ dân ở đây hiện chỉ mong sớm có được một chỗ tái định cư để ổn định cuộc sống”.

Gia đình anh Nguyễn Đức Thông cùng hơn 20 gia đình vẫn chưa biết di dời về đâu.

Gia đình anh Nguyễn Đức Thông cùng hơn 20 gia đình vẫn chưa biết di dời về đâu.

Được biết, dự án Khu liên hợp Thể thao Văn hóa và Dân cư Tân Thắng (dự án) do Sacomreal làm chủ đầu tư là khu đô thị đa mục tiêu, gồm công viên cây xanh, khu thể thao và nhà ở, thương mại… Như chủ đầu tư quảng bá, đây sẽ là khu đô thị Phú Mỹ Hưng thứ hai (!?) ở TPHCM.

Tuy nhiên, viễn cảnh một đô thị hiện đại chưa biết bao giờ mới có, chỉ thấy trước mắt là những người dân nhường đất xây dựng khu đô thị mới chịu thiệt quá nhiều. Đó là, thay vì trao tiền đền bù cho người dân, chủ đầu tư lại trao giấy ghi nợ, một hình thức vay tiền của người dân. Vì thế, nhiều gia đình đã tháo dỡ nhà, giao mặt bằng nhưng không thể mua đất, xây dựng nhà mới.

Không dừng lại ở đó, công tác đền bù thực hiện quá chậm, thiếu minh bạch, gây khó khăn cho người dân. Trước những bức xúc của dân, lãnh đạo quận Tân Phú phải ra “tối hậu thư” yêu cầu đến cuối tháng 10-2009, chủ đầu tư phải đền bù xong cho người dân, nếu không quận sẽ đề xuất UBND TP xử lý.

Cần mạnh tay hơn

Thời hạn UBND quận Tân Phú đề ra cho chủ đầu tư để hoàn tất việc đền bù đã qua gần 1 năm, nhưng đến nay người dân thuộc dự án vẫn trong tình cảnh đi không được, mà ở cũng không xong. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến chậm đền bù một phần do chủ đầu tư thiếu kinh phí, nhưng điều mấu chốt là cách làm thiếu nhất quán, không minh bạch trong việc kê khai, áp giá đền bù. Chủ dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới với mục đích kinh doanh thu lợi nhuận, nhưng khi đền bù lại áp giá thấp hơn giá thị trường.

Bà con ở đây cho rằng, chủ đầu tư đã nhận được quá nhiều ưu ái từ chính quyền, như được giao diện tích đất lớn của Công ty Bò sữa TP và Trường Sư phạm Kỹ thuật phổ thông mà không phải qua đấu thầu.

Mặc dù đã nhận được nhiều ưu đãi, nhưng đối với người dân trong diện bị giải tỏa, chủ đầu tư lại o ép đủ bề. Chủ đầu tư chỉ biết giải tỏa, thu hồi mặt bằng, chứ không biết nỗi khó khăn của người dân do không có chỗ ở mới, không có đất để sản xuất. Thời gian qua, ở đây rộ lên thông tin, dự án đã được thay chủ đầu tư mới, đã làm những gia đình chưa được đền bù, tái định cư càng hoang mang, lo lắng hơn.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Võ Văn Lắm, Chủ tịch UBND phường Kỳ Sơn, cho biết người dân hết tháng này sang năm khác mỏi mòn chờ đợi, còn chủ đầu tư thì đủng đỉnh. Bà con nhiều lần kiến nghị, phản ánh, nhưng cấp phường không đủ thẩm quyền giải quyết nên phường chỉ biết chuyển ý kiến lên cấp trên xử lý.

Để hạn chế thiệt thòi cho những gia đình trong diện bị giải tỏa cũng như đẩy nhanh tiến độ đền bù, thể theo nguyện vọng của bà con, phường đề nghị UBND quận Tân Phú và TP mạnh tay hơn với chủ đầu tư để triển khai dứt điểm dự án này. 

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục